Người chăn nuôi lao đao... vì dịch
Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Chính Lý (Lý Nhân, Hà Nam).
Nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề
DTLCP xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng 2, đến nay đã diễn biến rất phức tạp và gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.Tại Hà Nội, DTLCP đã xảy ra tại 10.852 hộ chăn nuôi thuộc 1.469 thôn, tổ dân phố ở 380 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 171.799 con lợn (chiếm 9,18% tổng đàn lợn của thành phố); đã có 23 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên.
Tại Hà Nam, tính đến ngày 24-5 đã có hơn 64 nghìn con lợn phải tiêu hủy, bằng 10% tổng đàn. Gia đình ông Nguyễn Văn Việt ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại lớn với 9,6 tấn lợn phải tiêu hủy, trong đó có 33 con lợn nái, còn lại là lợn thịt đã đến ngày xuất chuồng. Huyện Lý Nhân đã trích từ ngân sách huyện hỗ trợ gia đình ông Việt hơn 300 triệu đồng. Trong đợt dịch này, hàng chục hộ chăn nuôi ở Hà Nam có số lợn phải tiêu hủy từ 10 tấn trở lên, tập trung chủ yếu ở những hộ chăn nuôi theo mô hình đa trang trại, như hộ ông Ngô Ngọc Thuần ở thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng phải tiêu hủy hơn 12 tấn lợn; hộ bà Kiều Thị Mai, thôn Phù Đê Ấp, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng phải tiêu hủy hơn 10 tấn lợn. Nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng “trắng đàn”. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền các cấp và hộ chăn nuôi tập trung dập dịch, thống kê số lợn phải tiêu hủy, đồng thời, ngành chức năng cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo đúng quy định của Nhà nước. Những hộ chăn nuôi theo mô hình đa trang trại “trắng đàn” được khuyến cáo tạm dừng chăn nuôi gia súc, tập trung cho công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại.
Ở Thái Bình, dịch đã phát sinh tại 281 xã, phường, thị trấn của bảy huyện và TP Thái Bình, tổng số lợn tiêu hủy là 323.901 con. Dịch bệnh kéo dài hơn ba tháng qua đã gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi. Tại xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư), tính đến ngày 21-5, đã tiêu hủy 45,7 tấn lợn của 150 hộ trong tổng số 497 hộ chăn nuôi. Hộ ông Nguyễn Đình Bỉnh (thôn Liên Hồng) phải tiêu hủy bảy lần, tổng cộng 2,3 tấn lợn, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Ông Bỉnh cho biết: Gia đình chưa nhận được tiền hỗ trợ do tỉnh thiếu kinh phí. Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân. Tâm lý chung của người chăn nuôi là ai bán được lợn thì thở phào, cũng chưa dám tái đàn, phục hồi sản xuất vì không biết đến bao giờ dịch mới kết thúc. Chủ tịch UBND xã Bách Thuận Nguyễn Văn Mai nói: Những trang trại lợn nái ở đây phải nuôi cầm cự, không dám thả giống vì không bán được. Đối với đàn lợn khỏe vẫn phải nuôi ngay trong vùng ổ dịch, đề nghị Nhà nước có phương án thu mua cấp đông để giúp người dân. Hiện xã có hơn 8.000 con lợn không bị bệnh, vấn đề đầu ra vẫn bảo đảm, tuy nhiên giá lợn hơi xuống rất thấp, không bán thì dễ mắc dịch, còn bán thì cầm chắc thua lỗ nặng.
Tại tỉnh Hưng Yên, 150 xã thuộc 10 huyện, thành phố đã công bố dịch, tiêu hủy hơn 8.000 tấn lợn (chiếm gần 20% tổng đàn lợn) của gần 9.000 hộ chăn nuôi. Anh Lê Văn Nghĩa ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ cho biết, DTLCP khiến chúng tôi lao đao, bao vốn liếng của gia đình và đi vay đều dồn vào nuôi lợn, nhưng chỉ trong một ngày đàn lợn 124 con, gồm cả lợn nái, lợn giống và lợn thịt đều bị đưa đi tiêu hủy, thế là “trắng tay”. Ba tháng trôi qua, kể từ khi đàn lợn bị tiêu hủy đến nay gia đình anh Nghĩa vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của huyện như đã thông báo, trong khi số tiền đầu tư chuồng trại hơn 300 triệu đồng là nguồn vốn vay từ ngân hàng, người thân quen, chưa kể số tiền nợ đại lý thức ăn chăn nuôi…
Gian nan phòng, chống dịch
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch xảy ra trên diện rộng, kéo dài đã gây tốn kém kinh phí, nguồn lực của các địa phương cho công tác chống dịch. Mặt khác, do DTLCP chưa có vắc-xin phòng bệnh, nhiều nơi chưa có kinh nghiệm xử lý, cho nên, hiệu quả chống dịch thấp. Một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại là do nhiều tỉnh thiếu kinh phí cho công tác phòng, chống DTLCP. Theo quy định của tỉnh Thái Bình, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch; lợn nái, lợn đực giống được hỗ trợ mức 1,5 lần so với lợn con, lợn thịt các loại. Hằng tuần, Sở Tài chính tỉnh sẽ công bố mức giá theo giá thị trường. Với số lượng lợn tiêu hủy rất lớn (tổng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy tính đến ngày 8-5 khoảng 500 tỷ đồng) vượt quá khả năng cân đối tài chính của tỉnh. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ lợn thịt của Thái Bình thời điểm cao nhất đạt khoảng 40%, còn lại chủ yếu là xuất bán ra ngoài tỉnh. Khi xuất hiện dịch, việc xuất lợn ra ngoài tỉnh giảm mạnh, trong khi lợn thịt khỏe ở vùng dịch của tỉnh khó tiêu thụ. Hiện tỉnh còn 47.000 con lợn thịt và gần 120.000 con lợn choai khỏe mạnh, đến kỳ xuất chuồng chưa tiêu thụ được.
Trong khi đó, ở TP Hưng Yên (Hưng Yên), hiện 76% số phường, xã có DTLCP. Các địa phương đã tiêu hủy hơn 4.000 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 250 tấn. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn Quốc Hoàn, số hộ có lợn bị tiêu hủy trên địa bàn không nhiều như các huyện khác, cán bộ của địa phương đã thực hiện biện pháp xử lý đến đâu, lập và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ đến đó, trước khi đền bù niêm yết công khai tại UBND phường, xã, cho nên thành phố đã tổ chức hỗ trợ xong đợt một cho hai hộ với tổng số tiền gần 400 triệu đồng; đợt hai đang niêm yết danh sách hỗ trợ 73 hộ với kinh phí hỗ trợ khoảng 2,8 tỷ đồng; thành phố cũng đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ đợt ba. Việc sớm hỗ trợ của TP Hưng Yên đã giúp người chăn nuôi phần nào tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều nơi khác trong tỉnh, đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ và thiếu kinh phí. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) Nguyễn Văn Dũng xác nhận: Hiện các địa phương trong huyện chưa hỗ trợ cho người dân tiêu hủy lợn, do cán bộ của xã và huyện đang tập trung phòng, dập dịch và tiêu hủy lợn bệnh cho nên chưa có thời gian xem xét hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ người chăn nuôi bị tiêu hủy lợn theo quy định. Hơn nữa, số lượng lợn mang đi tiêu hủy do dịch bệnh ở huyện Yên Mỹ khá lớn, khoảng 1.700 tấn, cho nên số tiền dự tính hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ đồng, ngân sách dự phòng của huyện không đủ. Chúng tôi đang xin tỉnh hỗ trợ để có kế hoạch trợ giúp người chăn nuôi. Theo Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên Lê Xuân Tiến, nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh khoảng 167 tỷ đồng. Theo quy định, việc hỗ trợ người chăn nuôi bị dịch không vượt quá 50% nguồn dự phòng của tỉnh; hơn nữa tổng chi phí phòng, chống dịch dành cho nhiều hoạt động gồm: mua thuốc tiêu độc, khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm, nhân công, đền bù đất làm nơi chôn lấp, hoạt động của trạm kiểm dịch… trong thời gian qua, từ tỉnh đến xã đã chi 108 tỷ đồng. Các huyện, thành phố không đủ kinh phí để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch, vì vậy phần lớn các hộ có lợn bị tiêu hủy chưa nhận được tiền hỗ trợ. Trước thực tế này, tỉnh đã làm tờ trình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ thiệt hại do DTLCP đợt một cho Hưng Yên khoảng 257 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thống kê dư nợ đối với các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ chăn nuôi và đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất vay đối với những trang trại và hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với dư nợ bị thiệt hại gần 30 tỷ đồng…
Ngày 20-5, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TWvề tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người dân cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, khắc phục kịp thời những khó khăn mới có thể sớm khống chế được DTLCP và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()