Người chăn nuôi điêu đứng
LSO-Chuyển từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại với quy mô lớn hơn, người chăn nuôi phải đối mặt với bài toán thị trường. Trong vòng 2 năm trở lại đây, giá đầu vào cho chăn nuôi liên tục tăng, còn giá sản phẩm xuất chuồng lại biến động giảm. Điều đó một mặt đòi hỏi nhà nông cần có sự năng động trước biến động thị trường, đồng thời cần chính sách đúng đắn từ các ngành hữu quan. Câu chuyện về chăn nuôi trên địa bàn huyện Hữu Lũng dưới đây là một trong những ví dụ điển hình.
Gia trại chăn nuôi tập trung tại thôn Pó Đứa, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn |
Sớm nhận biết được nhu cầu của thị trường, cách đây hơn chục năm, gia đình anh Nguyễn Trọng Thấn là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở thôn Tân Hoa, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng đầu tư lớn vào chăn nuôi theo mô hình gia trại. Nhờ chăn nuôi, từ một hộ gia đình nghèo, không có đất sản xuất, gia đình anh chị đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, vươn lên khá giả. Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện trước kia, gần 2 năm trở lại đây do giá thị trường xuống thấp, mỗi vụ chăn nuôi gia đình anh Thấn lỗ hơn 100 triệu đồng.
Anh Thấn chia sẻ: 2 năm trở lại đây giá lợn, gà xuống thấp kỷ lục. Có thời điểm giá gà đàn xuất chuồng xuống tới 28.000 đồng/kg, trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg. Theo hạch toán cụ thể của các hộ chăn nuôi, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình và không bị rủi ro về dịch bệnh, thì cứ mỗi đàn gà 1.000 con, đến lúc xuất chuồng sẽ đạt 1,8 tấn thịt thương phẩm. Trong đó các chi phí người chăn nuôi sẽ phải bỏ ra là khoảng 6,5 tấn thức ăn (giá thị trường hiện nay đã tăng lên ở mức 13.000 đồng/kg); phòng trừ dịch bệnh mất khoảng 4-5 triệu đồng tiền thuốc và giá giống bình quân mất khoảng 10 triệu đồng. Như vậy không kể công, tổng chi phí để chăm sóc đàn gà 1.000 con từ lúc nhập đến khi xuất bán vào khoảng 100 triệu đồng. Như vậy để có thể thu hồi vốn, khi xuất bán, giá gà thịt phải đạt trên 50.000 đồng/kg. Và nếu để có chút lãi thì giá xuất chuồng phải trên 60.000 đồng/kg. Chị Dương Thị Phin, vợ anh Thấn bộc bạch: muốn được giá như vậy chỉ có cách chọn rồi bán lẻ. Mà nuôi cả ngàn con, bán lẻ bao giờ mới hết? Trong khi đó đến thời điểm xuất chuồng mà chưa xuất được hết, thêm ngày nào là chi phí đội lên ngày ấy. Lúc cao điểm gia trại của anh Thấn, chị Phin có khoảng 4.000 con gà. Năm kia gia đình lỗ 100 triệu đồng; năm ngoái lỗ 160 triệu đồng. Thời điểm này khi giá cả có nhích lên khoảng 50.000-55.000 đồng/kg, thì anh chị lại không có nhiều gà để xuất, bởi sau 2 năm thua lỗ, gia trại chỉ có thể nuôi cầm chừng.
Chăn nuôi gia cầm thua lỗ, chăn nuôi lợn cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Chị Hoàng Thị Hoan, nhân viên Thú y xã Nhật Tiến kể: gia đình trước đây thường xuyên duy trì 5 lợn nái và hàng chục lợn thịt. Thế nhưng lợn thịt giờ chỉ dám nuôi cầm chừng, còn lợn nái thì đã tỉa bớt 2 con, số còn lại chưa dám lấy giống bởi giá thị trường vẫn đang rất thấp. Trong vòng 2 năm trở lại đây giá thu mua lợn thịt chỉ dao động trong khoảng 28.000 đồng đến trên 30.000 đồng/kg lợn hơi, hiếm có thời điểm nào lên được 40.000 đồng/kg. Điều lạ là trước kia lợn giống xuất chuồng giá cao hơn lợn thịt, thì giờ giá lợn giống ngang bằng, thậm chí có lúc xuống thấp hơn cả lợn thịt. Hạch toán cụ thể, thì giá lợn phải được ở mức trên 42.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới thu hồi được vốn.
Ở Nhật Tiến hai năm nay chăn nuôi giảm sút. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhật Tiến cho biết: giá cả đầu vào cho chăn nuôi chưa bao giờ giảm mà chỉ có xu hướng tăng, còn giá đầu ra cho sản phẩm thì liên tục biến động, mà xu hướng biến động giảm. Bởi vậy chăn nuôi, đặc biệt là đàn gia cầm giảm rõ rệt. Nếu như những năm trước, tổng đàn gà của toàn xã luôn duy trì ở mức 50-60 nghìn con; năm nay dự ước dưới 40 nghìn con. Những hộ mới chăn nuôi lớn bị cụt vốn không thể tái đàn, chỉ còn những hộ đã chăn nuôi lâu mới có thể duy trì, nhưng cũng rất cầm chừng. Không chỉ ở Nhật Tiến mà những xã có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Hữu Lũng như Minh Tiến, Đồng Tiến… cũng rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Dọc đường tác nghiệp, chúng tôi nghe được không ít câu chuyện có những người mới vay vốn đầu tư chăn nuôi đã mất cả chì lẫn chài. Có gia đình đã phải cầm cố, thế chấp cả sổ đỏ. Chăn nuôi thất bát, nhiều gia đình đã phải ly hương làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, vấn đề dịch bệnh lại không phải là vấn đề đáng lo nhất, bởi ngay bản thân các hộ chăn nuôi đã rất có ý thức và kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh. Mấy năm nay, mặc dù nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhưng Hữu Lũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ các ổ bệnh và khống chế được ngay. Thế nhưng cái đáng lo nhất đối với chăn nuôi lớn là giá cả thị trường.
Nhiều hộ gia đình có kinh nghiệm cố nuôi, đợi đến thời điểm lên giá mới xuất. Nhưng cách này cũng là bất đắc dĩ và nhiều rủi ro, bởi đàn quá lứa, thêm một ngày duy trì là đội thêm cả chục triệu đồng các chi phí. Mà giá thị trường cứ trồi, sụt thất thường. Điều người chăn nuôi bây giờ cần nhất là chính sách. Mà chính sách phải ở tầm vĩ mô. Chính sách để hạ nhiệt giá đầu vào của chăn nuôi đang tăng từng ngày, chính sách về thị trường để đảm bảo cho đầu ra, chiến lược về chuyển giao khoa học kỹ thuật để hạ bớt chi phí trong chăn nuôi… Có như vậy thì mới có thể chuyển từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, tập trung, để chăn nuôi thực sự là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực của người nông dân.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()