Người chăn nuôi cẩn thận khi đầu tư tái đàn
LSO-Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 300 nghìn con, giảm hơn 2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do những tháng đầu năm 2017, giá lợn giảm mạnh, việc tiêu thụ lợn thịt gặp nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 7/2017 đến nay, giá lợn có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng lên xuống bấp bênh, không ổn định. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng khi đầu tư tái đàn.
Nông dân xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn lợn giống mới – Ảnh: KIM HUYÊN |
Từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 7/2017, giá lợn giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 20 nghìn đồng/kg lợn hơi. Thời gian này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải đối diện với không ít khó khăn trong việc tiêu thụ lợn thịt.
Sau một thời gian giảm, đến giữa tháng 7/2017, giá lợn đã tăng trở lại (tùy từng loại, giá dao động từ 32 – 35 nghìn đồng/kg lợn hơi). Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, giá thu mua lợn lại có dấu hiệu giảm, có thời điểm còn 27 nghìn đồng/kg.
Ông Hà Văn Khìu, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Sèn (HTX Nà Sèn), xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tháng 5/2017, HTX có khoảng 300 con lợn đến thời điểm xuất chuồng nhưng giá quá thấp khiến bà con phải tìm mọi cách tiêu thụ, có hội viên phải tự mổ, đem ra chợ bán lẻ. Sau một thời gian, tổng đàn chỉ còn trên 100 con, kể cả khi giá lợn tăng đến 35 nghìn đồng/kg thì bà con chăn nuôi vẫn lỗ. Theo kinh nghiệm, việc giá tăng vào thời gian qua chỉ mang tính thời điểm, vì thị trường tiêu thụ lợn vẫn chưa thực sự khởi sắc nên bà con chăn nuôi lợn tại HTX vẫn chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn trở lại.
Tình trạng này không chỉ ở HTX Nà Sèn, tại một số huyện, người chăn nuôi lợn cũng đang chăn nuôi ở mức cầm chừng. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng cho biết: Đến cuối tháng 7/2017, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng hơn 30 nghìn con (cả lợn con, lợn nái, lợn thịt), giảm khoảng 7 nghìn con so với đầu năm 2017. Vào thời điểm giá tăng trở lại, người chăn nuôi tại một số xã đã mua lợn giống để tái đàn, nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải.
Trên địa bàn huyện Tràng Định cũng vậy. Theo ông Triệu Minh Quân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện cũng chỉ còn khoảng 30 nghìn con, giảm khoảng 5 nghìn con so với đầu năm. Qua theo dõi, giá lợn hơi đã tăng nhưng không cao, dao động từ 32 – 35 nghìn đồng/kg, mức giá này vẫn còn thấp so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Người chăn nuôi lợn trên địa bàn cũng đã bắt đầu mua lợn giống nuôi tái đàn để kịp xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn ở mức cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nuôi lợn vào thời gian này cần theo dõi thị trường cẩn thận. Hiện nay, giá lợn hơi có tăng trở lại, nhưng giá lợn giống cũng tăng. Cụ thể, hiện giá lợn giống tăng gấp 3 – 4 lần so với tháng 4, tháng 5/2017 (ở mức 200 nghìn đồng – 300 nghìn đồng/con). Hiện tại, đã tăng lên mức 700 – 800 nghìn đồng/con (nặng từ 10 – 15 kg); 900 nghìn đồng – 1 triệu đồng/con (nặng từ 20 – 22 kg). Do vậy, mức chi phí ban đầu cũng đã tăng lên đáng kể. Vì thế, nếu người chăn nuôi không tính toán kỹ, vội vàng tái đàn ở mức độ “nóng” (tức tái đàn với số lượng lớn) có thể sẽ gặp rủi ro.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá lợn tăng trở lại là tín hiệu đáng mừng. Nguyên nhân là người nuôi sau một thời gian đẩy mạnh tiêu thụ lợn thành phẩm, lo không có đầu ra, giá thấp nên chưa tái đàn trở lại dẫn đến nguồn lợn thịt khan hiếm. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu lợn thịt chưa có gì khởi sắc, chắc chắn giá lợn tăng chủ yếu do cung – cầu của thị trường trong nước. Việc người chăn nuôi tái đàn lợn trở lại là bình thường nhưng phải thận trọng và thường xuyên tìm hiểu nắm rõ thị trường. Trong bối cảnh hiện nay không nên tăng đàn với số lượng lớn. Tính toán kỹ ở mức vừa phải, vừa đủ đáp ứng thị trường trong tỉnh và chờ tín hiệu xuất khẩu khả quan mới tính bước nuôi kế tiếp.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()