Người cán bộ lão thành của quê hương cách mạng
LSO-Được sự chỉ dẫn của cán bộ UBND xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, chúng tôi có dịp đến ngôi nhà của ông Dương Công Chiến, vị lão thành cách mạng, người con tiêu biểu của mảnh đất khởi nghĩa Bắc Sơn. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm tại thôn Tân Sơn, xã Quỳnh Sơn, giữa một vùng quê yên ả, bình dị. Năm nay đã 93 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh và hàng ngày đều dành thời gian giúp đỡ vợ con trong công việc gia đình. Trò chuyện thân mật với chúng tôi, ông Chiến say sưa kể về quá trình tham gia cách mạng. Qua lời kể của ông dường như lịch sử hào hùng trong quá khứ đang hiện về. Sinh ra và chứng kiến cảnh nước nhà bị giặc xâm lăng, năm 1943, người thanh niên trẻ Dương Công Chiến đã tham gia vào Tổ chức Trung kiên của Đảng chống phong kiến và phát xít Nhật. Khi ấy, chàng trai Dương Công Chiến mới tròn 22 tuổi. Năm 1945, đồng chí gia nhập Cứu quốc quân – là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thuộc trung đội thứ nhất có nhiệm vụ chiến đấu chống giặc Pháp, phát triển cơ sở cách mạng của Việt Minh, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa. Hòa chung không khí sục sôi chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Cứu quốc quân đã tiến hành khởi nghĩa, đánh từ Thái Nguyên lên, cướp chính quyền và giải phóng châu Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn ngày nay), châu Bình Gia (huyện Bình Gia ngày nay) và châu Bằng Mạc (một phần huyện Chi Lăng và huyện Văn Quan ngày nay), góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 lịch sử. Mang trong mình tinh thần kháng chiến của vùng đất mẹ Bắc Sơn, đồng chí Dương Văn Chiến liên tục tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có trận chiến quyết liệt khiến thực dân Pháp rút hoàn toàn khỏi Lạng Sơn ngày 17/10/1950.
Không những là chiến sĩ anh dũng trên mặt trận kháng chiến, đồng chí Dương Công Chiến còn tham gia công tác trong nhiều lĩnh vực. Sau khởi nghĩa thắng lợi, miền Bắc đang trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Dương Công Chiến được lệnh chuyển về công tác tại Ban sửa sai luật cải cách ruộng đất, một lần nữa góp phần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Liên tục trong nhiều năm liền, từ năm 1963 đến năm 1972, đồng chí Dương Công Chiến tham gia công tác tại trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương (nay là trường Học viện Tài chính) trực thuộc Bộ Tài chính rồi chuyển về Thái Nguyên, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học Tài chính miền núi. Tròn 60 năm cống hiến và làm việc hăng say, ông trở về quê hương, cùng vợ là bà Dương Thị Bền chăm lo gia đình, nuôi dưỡng dạy bảo con cái. Hiện nay, các con trai, con dâu của ông đều tham gia lực lượng vũ trang. Với những cống hiến của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy hiệu 65 tuổi Đảng,… cùng nhiều huân, huy chương khác. Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: gia đình ông Dương Văn Chiến là gia đình văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm liền, không những gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động mà ông còn bảo ban con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, hương ước làng xã. Bản thân ông Dương Công Chiến được Đảng và Nhà nước công nhận là Cán bộ lão thành cách mạng, được các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm, tổ chức thăm hỏi và tặng quà gia đình trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, lễ mừng thọ…
Đến Bắc Sơn vào những ngày này, khi nhân dân huyện Bắc Sơn đang ngập tràn trong không khí tưng bừng đón nhận quyết định của Chính phủ công nhận 8 xã an toàn khu và kỷ niệm 104 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nhìn diện mạo quê hương đang ngày một khởi sắc, ông Chiến không khỏi xúc động và tin tưởng nhân dân sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng Bắc Sơn ngày một giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Ý kiến ()