Người cán bộ dân tộc Mông hết lòng vì sự nghiệp giáo dục
Những điều trăn trở, băn khoăn đó cứ dai dẳng theo ông suốt hơn 15 năm liền khi ông đang giữ chức Chủ tịch UBND xã (từ năm 1985 đến 1989) và Bí thư Đảng ủy xã (từ năm 1989 đến 2000). Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, hơn ai hết, ông thấy rõ nhất cuộc sống đói nghèo của bà con mình, và đã cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã vận động và lãnh đạo nhân dân toàn xã thực hiện thành công xóa bỏ cây thuốc phiện, loại bỏ hoàn toàn loài 'hoa độc' ra khỏi đời sống người dân. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào Mông xã Lóng Luông vẫn hết sức khó khăn. Gặp chúng tôi, ông tâm sự: 'Nghèo đói là con đẻ của thất học. Đó là cái vòng luẩn quẩn chứ không phải sự định mệnh, nếu bà con mình không được học thì sẽ mãi mãi đói nghèo. Bởi vậy, tôi đã mạnh dạn đề nghị với UBND và các ngành chức năng của huyện quan tâm đầu tư mở mang trường lớp để giúp bà con đón chữ về bản. Chương trình cuộc vận động để con em trong bản được đến trường học tập còn đang dang dở thì tôi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, nhưng với trách nhiệm của người đảng viên thì chưa dám nghĩ đến việc được nghỉ ngơi. Được sự tín nhiệm của mọi người, tôi được bầu vào cấp ủy và giữ chức Bí thư Chi bộ bản Lóng Luông (xã Lóng Luông)'.
Ông Giàng A Lự tiếp tục đem những điều băn khoăn, trăn trở khi đang công tác tại xã tâm sự với những bạn già, các già làng, trùm họ và các đảng viên trong chi bộ, có cách gì để người dân nơi đây thoát khỏi nghèo đói, thoát cảnh mù chữ. Từ đầu năm 2007, sau khi được học tập, nghiên cứu các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông càng thấm thía những bài học về đức hy sinh cao cả của Bác Hồ cho dân tộc, cho đất nước. Từ đó, ông đến từng nhà vận động ông, bà, cha mẹ các con, cháu đến lớp học để sau này có kiến thức mới về phục vụ bà con trong bản. Số trẻ em đăng ký đến trường học ngày một đông, nhưng lại nảy sinh chuyện thiếu phòng, thiếu lớp học, thiếu đất xây dựng trường cho các cháu.
Hôm nay, đứng bên cạnh ngôi trường mầm non của xã Lóng Luông đã được xây dựng khang trang, trông ông còn trẻ và khỏe nhiều so với tuổi 64. Giàng A Lự tâm sự: Sau vài lần cùng với lãnh đạo xã đi lên huyện, lên tỉnh, tôi đã xin cho nhân dân trong bản nguồn vốn đầu tư xây trường học cho các cháu, nhưng khi có tiền trong tay rồi thì lại không tìm đâu ra đất để xây dựng trường lớp… cái khó mỗi lúc một lớn hơn. Cuối cùng, tôi họp dòng họ mình, xin ý kiến và quyết định lấy mảnh đất rộng 3.000 m2 do tổ tiên để lại vừa mới được Nhà nước cấp sổ đỏ, để làm quà cho con cháu trong xã. Có tiền, có đất, tôi vận động trong bản là mỗi gia đình đóng góp một khối đá, một khối cát rồi thuê thợ làm sân và tường rào chung quanh trường, khi ngôi trường hoàn thành, nhưng tôi thấy còn thiếu sân chơi, bếp ăn và nhà vệ sinh nên tôi tiếp tục huy động bà con trong bản bỏ ra hàng trăm công san nền, đào cát, đóng gạch xây bếp, làm sân chơi và nhà vệ sinh cho các cháu. Các bé đến lớp được ăn trưa tại trường, được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời bổ ích.
Thấy ông Lự vận động được bà con xây dựng trường mầm non, các đồng chí lãnh đạo xã đã có ý muốn xây dựng trường tiểu học của xã tại bản Lóng Luông. Ông Lự thấy nếu cứ tập trung các trường học ở bản này thì tôi và bà con sẵn sàng hiến đất xây dựng. Nhưng các bản khác còn nhiều đứa trẻ không được đi học, hoặc đi rất xa. Ông bàn cùng các đồng chí lãnh đạo xã đầu tư xây dựng Trường tiểu học tại bản Co Loóng ngay trung tâm xã, cách bản ông gần năm km và đã trực tiếp cùng lãnh đạo xã vận động bà con nhường đất xây dựng trường rồi về vận động anh em trong dòng họ bản mình, các dòng họ các bản trong xã đóng góp tiền để xã đền bù cho các gia đình đã hiến đất xây dựng trường.
Đối với điểm trường tiểu học ở bản, ông Lự tổ chức vận động mỗi gia đình đóng góp 0,5 m3 đá, một m3 cát, vận động ba trùm họ tại bản và chi đoàn thanh niêm góp tiền mua xi-măng và cát về xây dựng phòng học, sân, lớp, tường bao quanh trị giá 150 triệu đồng. Bên cạnh việc vận động xây dựng trường, lớp, ông cũng đã vận động bà con huy động người, phương tiện và đóng góp khoảng 20 triệu đồng làm các con đường bê-tông trong bản cho nhân dân đi lại được thuận lợi hơn.
Để có những số tiền đóng góp cho các công trình, ông Lự cùng bà con tích cực chuyển đổi các loại cây trồng theo vụ mùa, như từ trồng cây mận hậu trước đây có thu nhập kinh tế cao đến trồng cây ngô, các loại cây ăn quả khác rồi đến cây su su, làm ruộng nước, đào ao nuôi cá… đã giúp bà con trong bản có tiền, xóa được cái đói nghèo; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao; thanh niên trong bản đã biết được cách làm kinh tế và áp dụng khoa học kỹ thuật… Từ đó, bà con tin tưởng, tăng cường tình đoàn kết trong các dòng họ, các dân tộc để cống hiến nhiều hơn vì quê hương Lóng Luông ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến ()