Người bạn đồng hành của lao động nghèo ở Quảng Ninh
Tuy mới đi vào hoạt động hai năm, nhưng Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động (CNLÐ) nghèo (thuộc LÐLÐ Quảng Ninh) đã trở thành người bạn đồng hành, "ngân hàng" tin cậy của gần 1,7 nghìn lượt CNLÐ nghèo với tổng số tiền giải ngân gần 19 tỷ đồng. Không chỉ góp phần giúp người lao động (NLÐ) phát triển kinh tế gia đình, cải thiện điều kiện về nhà ở, phương tiện sinh hoạt, Quỹ đã góp phần nâng cao vị thế của công đoàn.
Tuy mới đi vào hoạt động hai năm, nhưng Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động (CNLÐ) nghèo (thuộc LÐLÐ Quảng Ninh) đã trở thành người bạn đồng hành, “ngân hàng” tin cậy của gần 1,7 nghìn lượt CNLÐ nghèo với tổng số tiền giải ngân gần 19 tỷ đồng. Không chỉ góp phần giúp người lao động (NLÐ) phát triển kinh tế gia đình, cải thiện điều kiện về nhà ở, phương tiện sinh hoạt, Quỹ đã góp phần nâng cao vị thế của công đoàn.
Cùng Giám đốc quỹ Phạm Huy Thường, chúng tôi xuống thăm gia đình anh Nguyễn Văn Bắc (giáo viên Trường THCS Ðại Yên, TP Hạ Long). Là giáo viên THCS, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai cả anh Bắc mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, vợ anh không có việc làm ổn định. Sinh hoạt của gia đình trông đợi cả vào đồng lương chưa đầy sáu triệu đồng/tháng của anh. Bởi vậy, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Anh Bắc cho biết, sau khi được vay 20 triệu đồng từ Quỹ, anh đầu tư mua lợn thịt, ngan, gà thả chuồng do tận dụng được nguồn thức ăn thừa từ chợ, ốc bươu vàng ngoài đồng để nấu thức ăn. Dịp hè, không phải đứng lớp, anh Bắc vừa đầu tư một lứa ngan, gà với hai con lợn thịt. “Ðầu ra” không phải lo vì lợn, gà đến độ xuất chuồng là có người đến tận nhà mua. Ngoài tiền trả vốn và lãi hằng tháng, số tiền thu về từ nuôi gia súc, gia cầm, cộng thêm tiền vay mượn anh em, họ hàng, anh Bắc vừa xây dựng thêm một căn nhà mái bằng cho đứa con trai thứ hai.
Anh Bắc tâm sự: “Số tiền vay được từ Quỹ tuy chưa phải là lớn nhưng nếu không có nó, tôi không có tiền để đầu tư vào chăn nuôi. Do đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, trong khi khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại”. Anh Bắc cũng cho biết, chỉ còn ba tháng nữa, anh sẽ hoàn trả hết số tiền 20 triệu đồng và rất mong được tiếp tục vay thêm vốn để mở mang chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Còn chị Ðỗ Thị Kim Chung, công nhân Công ty cổ phần may 27-7, TP Hạ Long cho biết, gia đình chị rất khó khăn về kinh tế, đứa con gái đầu lòng định bỏ học giữa chừng xin đi làm công nhân như mẹ. Ðồng vốn vay đến tay chị kịp thời, là động lực để chị động viên con tiếp tục thi vào THPT. Tới Công ty cổ phần thủy sản Ðại Yên (thành phố Hạ Long), chúng tôi được tiếp cận với đông đảo công nhân viên, lao động của công ty, những người trực tiếp được tiếp cận nguồn vốn. Chị Trần Thị Biên cho biết: “Ðồng lương của người lao động tương đối thấp, chỉ gần ba triệu đồng/tháng. Từ khi vay được 10 triệu đồng từ Quỹ, chúng tôi mua chượp, rồi bán lại cho công ty. Hằng năm, trừ tiền vay gốc và lãi, chúng tôi lãi khoảng 10 triệu đồng. Ðây cũng là khoản tiền kha khá cho những kế hoạch chi tiêu lớn của gia đình”.
Những câu chuyện nêu trên có thể ghi nhận được ở rất nhiều “khách hàng” của Quỹ ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Quảng Ninh. Theo khảo sát thực tế, hầu hết người lao động nghèo ở Quảng Ninh khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, sau thời gian phải hoàn trả lãi và gốc, họ sẽ có tiền lãi tương ứng với số tiền đã vay. Do đó, tất cả đều mong muốn được vay nhiều hơn nữa để đầu tư phát triển sản xuất.
Với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, thời gian, cách thức trả lãi, gốc hợp lý, không cần thế chấp, Quỹ ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy để CNLÐ trong tỉnh tìm đến. Tuy nhiên, ông Phạm Huy Thường cho biết: “Hằng tháng, chúng tôi tiếp nhận khoảng 500 bộ hồ sơ của cán bộ, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn đề nghị được vay khoảng năm tỷ đồng. Nhưng với nguồn vốn có hạn, chủ yếu dựa vào số tiền thu hồi một phần gốc vay của số công nhân, viên chức, lao động đã vay, nên chỉ đáp ứng được với số tiền hơn 800 triệu đồng/tháng. Thực tế, mỗi năm Quỹ cần từ 40 đến 50 tỷ đồng mới giải quyết được nhu cầu vay vốn của người lao động trong tỉnh”.
Tình hình kinh tế – xã hội khó khăn dẫn tới việc huy động nguồn vốn của tỉnh không thực hiện được ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cho vay của Quỹ. Bên cạnh đó, số tiền cho vay hiện còn ít nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Với sản phẩm vay cải thiện điều kiện sinh hoạt, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng chuồng trại là 10 triệu đồng và 20 triệu đồng vay cải thiện nhà ở, xây mới, sửa chữa, cơi nới. Trong khi trên thực tế, số tiền tương ứng phải là mức 20 – 30 triệu đồng. Ðược biết, Bộ Tài chính vừa tiến hành khảo sát ở Quảng Ninh nhằm đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ Tổng LÐLÐ Việt Nam tăng nguồn vốn cho CNLÐ nghèo vay. Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Quảng Ninh Ðỗ Thị Lan cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, chúng tôi đề nghị với Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để giúp NLÐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Tổng LÐLÐ Việt Nam quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cấp ngân sách công đoàn, vốn ủy thác cho vay của Tổng LÐLÐ không lãi hoặc lãi suất thấp để giúp NLÐ nghèo được vay vốn”.
Theo bà Lan, nếu được tăng, LÐLÐ tỉnh sẽ mở rộng đối tượng và nội dung cho vay. Trong đó, tập trung cho vay để đào tạo nghề với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ cho các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vay, nếu như doanh nghiệp đó có đề án thuyết phục…
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()