Ngừa tham nhũng để giữ rừng
LSO-Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên là đơn vị độc lập, xa cơ quan chủ quản. Do thường xuyên tiếp xúc với dân, trực tiếp phải xử lý các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép nên rất dễ nảy sinh những tiêu cực, tiếp tay cho phá rừng. Để ngăn chặn hiện tượng đó, Ban Quản lý đã tăng cường chống tham nhũng để giữ rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ rừng |
Vào giữa những năm 2000, Hữu Liên trở thành địa bàn “nóng” về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Tiếp tay cho hành động đó có phần lỗi của một bộ phận cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên. Hậu quả là không ít cán bộ bị khởi tố, truy tố trước pháp luật. Ngay sau khi kiện toàn lại Ban Quản lý rừng đặc dụng, đặc biệt là thời gian gần đây, thấy được việc ngừa tham nhũng liên quan trực tiếp đến bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ.
Thực hiện quy trình công tác cơ sở, Ban Quản lý đặt ra tiêu chuẩn “ba không”; cho không lấy, thấy không xin, thích không nhìn. Lý giải cho điều này là dân Hữu Liên rất quý cán bộ, khi đánh được mớ cá, nhà giết lợn hay nấu rượu họ đều dành một phần cho cán bộ. Thế nhưng trong số đó có một bộ phận đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Để tránh bị lợi dụng, ngay khi giao nhiệm vụ tuần rừng trực tiếp, Trưởng, Phó ban quán triệt nhiệm vụ và giao cho cá nhân giám sát lẫn nhau. Vì vậy khác với trước kia, các buổi gặp gỡ, ăn uống tại nhà dân giảm hẳn. Các đối tượng hay vào rừng trộm gỗ không còn cơ hội tiếp xúc mua chuộc cán bộ nữa.
Để quản lý nghiêm, cán bộ của Ban cũng thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp tuyên truyền với dân. Qua đó kịp thời phát hiện các cán bộ gây phiền nhiễu; phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, dựng lều lán trái phép, phối hợp trục xuất đối tượng khai thác trái phép ra khỏi rừng. Cùng với thực hiện nghiêm kỷ luật, Ban Quản lý thường xuyên cập nhật Luật Phòng chống tham nhũng, các quy định chống tham nhũng nội bộ để quán triệt đến từng điểm gác rừng. Từ sự quan tâm đó ý thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ đã được nâng lên. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: để ngừa tham nhũng ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, ban còn vận động nhân dân, chính quyền tham gia có ý kiến, giám sát các cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Để loại các yếu tố tham nhũng trong thực hiện các biện pháp giữ rừng, Ban đã thực hiện giao rừng tay ba gồm đại diện của Ban, chính quyền và người nhận khoán bảo vệ. Tài khoản được chi trả qua kho bạc, vì vậy số tiền giao nhận được kiểm soát kỹ, triệt tiêu kẽ hở tham nhũng. Trước đây cán bộ Ban chưa thường xuyên chủ động việc ăn uống, nhiều cán bộ khi đi tuần rừng trực tiếp ăn với dân. Nhận thấy đây là kẽ hở dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, Ban đã tổ chức bếp ăn tập thể, quy định tiêu chuẩn cho cán bộ tuần rừng, hạn chế đến mức thấp nhất việc nhờ vả ăn uống, tiếp xúc để ngừa tham nhũng. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, việc này ở thành phố, thị trấn thì đơn giản nhưng ở giữa rừng, anh em đi tuần rừng giữ được điều đó là rất khó. Thế nhưng nhiều năm nay Ban đã làm được.
Qua triệt để ngừa tham nhũng, các vụ phá rừng, đốt than, vận chuyển lâm sản trái phép ở Hữu Liên đã giảm hẳn. Giờ đây người dân đã biết tận dụng thế mạnh của rừng. Nhân dân nhiều thôn đã biết trồng rừng, bảo vệ rừng. Ông Lèo Văn Sin, Chủ tịch UBND xã Hữu Liên tâm sự: những năm gần đây, do phối hợp với chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là phòng chống tham nhũng nội bộ nên Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã không để xảy ra mất cán bộ. Các cán bộ dần lấy được lòng tin của người dân trong phòng chống tham nhũng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()