Ngư dân Thanh Hóa đoàn kết bám biển
Tàu thuyền neo đậu trong Lạch Bạng. Tôi trở lại Diêm Phố, Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) giữa một ngày hè. Phía xa là chàng Nẹ hóa thân thành hòn đảo đứng giữa biển trời để bảo vệ bình yên cho những xóm làng nơi mép nước, cửa sông. Ngư Lộc có hơn 17 nghìn dân với hoạt động kinh tế chủ đạo là khai thác, chế biển hải sản.Mùa này, hơn 300 phương tiện cùng ngư dân thường xuyên vươn khơi, bám biển dù xăng dầu tăng giá, biển nhiều cá tôm nhưng cũng lắm ẩn họa khó lường. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác hải sản của xã đạt 3.961 tấn, trong đó mực tươi 898 tấn, tôm 464 tấn, cá xuất khẩu 479 tấn... Nhìn chung sản lượng khai thác, chế biến đều tăng so cùng kỳ, giá trị thủy sản ước đạt 52 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch năm.Nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, ngư dân tự nguyện liên kết, thành lập bảy tổ đội sản xuất, quy mô sáu đến bảy phương tiện/tổ, đội. Được các tàu dịch vụ cung ứng nhiên liệu, thực phẩm, thu mua...
|
Mùa này, hơn 300 phương tiện cùng ngư dân thường xuyên vươn khơi, bám biển dù xăng dầu tăng giá, biển nhiều cá tôm nhưng cũng lắm ẩn họa khó lường. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác hải sản của xã đạt 3.961 tấn, trong đó mực tươi 898 tấn, tôm 464 tấn, cá xuất khẩu 479 tấn… Nhìn chung sản lượng khai thác, chế biến đều tăng so cùng kỳ, giá trị thủy sản ước đạt 52 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch năm.
Nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, ngư dân tự nguyện liên kết, thành lập bảy tổ đội sản xuất, quy mô sáu đến bảy phương tiện/tổ, đội. Được các tàu dịch vụ cung ứng nhiên liệu, thực phẩm, thu mua sản phẩm trên biển, cho nên phương tiện cùng lao động nghề cá có thể vươn khơi, bám biển, đánh bắt hải sản dài ngày. Các tổ đội đánh bắt hải sản còn tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Anh Đinh Văn Tiền cho biết: Để vươn ra biển lớn, anh em trong họ tộc cùng góp vốn mua sắm đội tàu tổng công suất 440 CV cùng ngư cụ, thiết bị hỗ trợ trị giá gần hai tỷ đồng. Giá nhiên liệu leo thang nhưng nhờ tham gia tổ hợp tác đánh bắt hải sản, được hỗ trợ nhiên liệu, nhân lực, thông tin thời tiết, ngư trường, đội tàu của gia đình anh có thể bám biển cả tháng, giảm chi phí đi về, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Lạch Bạng nhộn nhịp tàu thuyền vào ra, phố biển tấp nập, mặn mòi hương vị hải sản. Toàn xã có 469 tàu, thuyền, tổng công suất 23.000 CV, trong đó 50% số phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên vươn ra biển lớn, tham gia khai thác hải sản ở vùng đánh bắt chung. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Xuân khẳng định: Vươn ra biển lớn không chỉ là tinh thần chỉ đạo mà là mong muốn của số đông nhân dân trong xã, nơi có tới 90% số dân mưu sinh bằng nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản. Do đặc thù nghề nghiệp, tính rủi ro cao, cho nên các tổ chức tín dụng cho vay vốn đóng mới tàu, thuyền theo định mức có hạn. Các gia đình, dòng họ, láng giềng gần cùng hùn vốn mua sắm tàu, thuyền, ngư cụ, các trang thiết bị để tổ chức khai thác hải sản. Do vậy phương tiện tham gia đánh bắt hải sản ở khu vực giữa khơi, giữa lộng của xã tăng nhanh, một bộ phận phương tiện cùng ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương khá hiệu quả. Thêm nữa, Hải Thanh có tám tàu dịch vụ, cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm cần thiết và thu mua hải sản bảo quản, tạo điều kiện cho các tàu đánh cá vươn khơi, bám biển dài ngày. Năm 2010, Hải Thanh khai thác được 5.700 tấn hải sản nhưng sản lượng thu gom gấp năm lần. Toàn xã có gần 3.000 lao động hành nghề khai thác, đánh bắt hải sản, kéo theo 5.000 lao động trên bờ có việc làm, thu nhập ổn định nhờ tham gia chế biến hải sản. Bên cạnh đó dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực này phát triển đa dạng, đẩy nhanh quá trình hình thành đô thị biển.
Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km, bảy cửa lạch lớn nhỏ, ngư trường trải rộng hơn 17.000 km2 với nhiều loài hải sản phong phú, đa dạng. Theo số liệu điều tra, vùng biển Thanh Hóa có 71 họ, 118 giống, 190 loài hải sản, trữ lượng 140 đến 165 nghìn tấn/năm, chiếm 2% đến 3% trữ lượng nguồn lợi hải sản toàn quốc. Vươn ra biển lớn, khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản là hướng đi chiến lược trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng biển mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra. Toàn tỉnh có gần 8.700 phương tiện thường xuyên tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Thời gian gần đây, ngư dân có xu hướng đầu tư đóng mới phương tiện công suất lớn, trang bị thiết bị hiện đại vươn khơi, bám biển dài ngày. Ở nhiều địa phương, ngư dân cùng hợp tác, thành lập được 129 tổ, đội khai thác hải sản với 935 phương tiện tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức khai thác hải sản hiệu quả, an toàn. Trong tỉnh mới phát triển thêm gần 100 tàu dịch vụ cung ứng, thu mua hàng hóa, bảo quản hải sản trên biển. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 39.180 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ và bằng 52,8% kế hoạch năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xứng cho biết: Thời gian tới Thanh Hóa tiếp tục hiện đại hóa nghề cá, tăng cường ứng dụng công nghệ bảo quản hải sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác. Tỉnh chú trọng huy động hiệu quả mọi nguồn lực đóng mới, nâng cấp phương tiện, chuyển đổi hoàn thiện nghề cá đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cảng cá, chợ đầu mối, đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển năm đô thị nghề cá tại cửa Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng. Nhân dân vùng duyên hải tiếp tục hướng ra biển, nhân rộng các tổ hợp tác, liên kết nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển đi đôi với chú trọng bảo vệ nguồn lợi ven bờ, thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()