Ngư dân Sông Ðốc tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đánh bắt cá
Chúng tôi trở lại Làng cá Sông Đốc vào những ngày đầu tháng 3. Những con tàu cá về bến rồi lại tất bật ra khơi cho chuyến đi biển mới. Không chỉ có hơn 1.200 tàu cá của ngư dân địa phương, ở đây mỗi khi hết con nước khai thác thủy sản trên biển, thường xuyên có hàng trăm tàu cá của ngư dân từ các tỉnh cập bến mua bán, trao đổi sản phẩm... Bởi vậy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bán, phục vụ hậu cần nghề cá trên bờ rất tấp nập; tàu thuyền đánh cá đông đúc; trở thành vùng kinh tế biển năng động nhất của tỉnh Cà Mau. Theo nhiều ngư dân, điều đáng phấn khởi là thời gian gần đây, giá sản phẩm luôn ổn định và tăng cao từ sau Tết Tân Mão, ngư dân khai thác trúng mùa, đạt hiệu quả cao.Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Từ Văn Hiền cho biết: Trong những ngày cuối tháng 2, hầu hết ngư dân ở đây rất lo lắng vì không mua được xăng, dầu do một số đại lý, chủ cây xăng, có biểu...
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Từ Văn Hiền cho biết: Trong những ngày cuối tháng 2, hầu hết ngư dân ở đây rất lo lắng vì không mua được xăng, dầu do một số đại lý, chủ cây xăng, có biểu hiện dùng dằng không muốn bán hàng, chờ xăng dầu tăng giá. Khoảng 300 phương tiện phải nằm bờ do không đủ dầu để ra khơi. Sau ngày điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, các chủ phương tiện ở đây lại cho tàu cá tiếp tục ra khơi bám biển sản xuất. Ngư dân Sông Đốc đã quen dần và không quá bất ngờ mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Hầu hết bà con ngư dân ở đây có cách làm riêng, tính toán khá chi ly để tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế tối đa tác động tăng giá. Do xăng, dầu tăng giá, nhiều chủ tàu cá nhẩm tính: Với giá dầu tăng gần ba nghìn đồng/lít, một tàu cào công suất 90 CV một chuyến biển phải bỏ thêm khoảng 40-50 triệu đồng và từ 20 đến 30 triệu đồng cho tàu lưới dây, câu mực… Đó là chưa kể mức giá tăng theo từ các dịch vụ hậu cần như lương thực, thực phẩm, nước đá, lưới cụ, dịch vụ vận chuyển.
Thị trấn Sông Đốc ước tiêu thụ khoảng 13 triệu lít dầu/tháng phục vụ cho hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản. Ông Nguyễn Tấn Bửu ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc nêu kinh nghiệm: Gia đình ông có 12 chiếc tàu cá, chủ yếu tàu công suất từ 90 đến 350 CV, tiêu tốn gần hai trăm nghìn lít nhiên liệu/tháng. Để tiết kiệm nhiên liệu, khai thác không bị lỗ vốn, trong quá trình sản xuất, phải tính toán chi ly cho từng chuyến đi biển, từng mẻ lưới. Sản phẩm của từng mẻ lưới được phân loại ngay trên biển, qua hệ thống thông tin liên lạc từ đất liền chủ tàu biết cụ thể về giá bán từng loại sản phẩm, sau khi tính toán cân đối thấy có lãi cho tàu tiếp tục khai thác, ngược lại nếu sản phẩm không được giá, không có hiệu quả là tạm dừng khai thác, neo đậu tàu để tiết kiệm xăng dầu, giảm chi phí. Tại ngư trường khai thác, trong quá trình đánh bắt các tàu sử dụng thiết bị dò tìm, khi phát hiện khu vực có nhiều tôm, cá… sẽ tập trung thả lưới, không để cho tàu chạy lòng vòng tìm tôm, cá hao tốn nhiên liệu. Hiện nay, tại cửa biển Sông Đốc có hàng chục tàu của ngư dân, thương lái làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Để tiết kiệm nhiên liệu, số tàu dịch vụ này hợp tác với các chủ phương tiện đánh bắt cung ứng lương thực, thực phẩm, nước đá muối ướp, ngư lưới cụ cho các tàu đánh bắt và thu mua sản phẩm đưa về đất liền tiêu thụ. Đối với nghề cào, lưới vây ở Sông Đốc ngư dân có thể bám biển 50-60 ngày mới cho tàu vào bờ. Khi họ được cung cấp hậu cần đầy đủ, sẽ tiết kiệm được chi phí xăng, dầu. Với cách làm này đã tăng thời gian hoạt động sản xuất, hạn chế cho tàu vào bờ, khi có sản phẩm được tiêu thụ ngay trên biển làm giảm chi phí, sản phẩm được bảo quản tốt hơn, bán được giá hơn. Đây là mô hình dịch vụ bước đầu phát huy hiệu quả trong điều kiện giá xăng, dầu, vật tư, hàng hóa ngày càng tăng cao hiện nay. Từ cách làm năng động này, thời gian gần đây, dù giá nhiên liệu tăng nhưng rất ít tàu cá của ngư dân thị trấn Sông Đốc khai thác lỗ vốn, phải nằm bờ.
Theo Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Lê Minh Khởi, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh chỉ đạo tập trung các nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó coi trọng việc phát huy lợi thế kinh tế nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản, đây là giải pháp mang tính căn cơ. Năm 2011 toàn tỉnh phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 850 triệu USD. Đây là ngành sản xuất, kinh doanh có ảnh hưởng và tác động lớn đến đời sống của người dân Cà Mau. Để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, các ngành chức năng và lãnh đạo địa phương ở Cà Mau đã có sự phối hợp chặt chẽ, với nhiều biện pháp như bám sát địa bàn, tăng cường công tác quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả và tình trạng găm hàng để đẩy giá lên cao, nhất là kinh doanh xăng, dầu, chủ động phát hiện, ngăn chặn buôn lậu qua biên giới bằng đường biển. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gắn với mở rộng, bố trí lại hệ thống cung ứng hàng hóa ở huyện, nhất là tại các cụm kinh tế, cụm tuyến dân cư trên toàn địa bàn tỉnh, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho đời sống như lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, gas… Kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 260 cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng, dầu, phát hiện xử lý kịp thời 8 vụ vi phạm có biểu hiện găm hàng, tăng giá.
Năm 2010, tỉnh Cà Mau tiêu thụ gần 400 triệu lít xăng, dầu là một trong những địa phương tiêu thụ xăng, dầu lớn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giám đốc Công ty Xăng dầu Cà Mau Phạm Thế Sơn cho biết, năm 2011, đơn vị sẽ bảo đảm cung ứng cho thị trường Cà Mau lượng hàng khoảng 65 triệu lít xăng, dầu. Hiện công ty có 42 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu được bố trí trên khắp địa bàn trọng yếu của tỉnh, cùng với hơn 60 đại lý bán lẻ hệ thống bán hàng này sẽ phục vụ kịp thời cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường. Trước những biến động lớn của thị trường, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối như Công ty Xăng dầu, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau; Thương nghiệp Bạc Liêu… đã phát huy khá tốt vai trò chủ đạo, góp phần rất lớn trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng và bình ổn thị trường khi có biến động tăng giá, nhất là mặt hàng xăng, dầu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()