Ngư dân Quảng Bình khai thác thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường
Tỉnh Quảng Bình hiện có 5.710 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó 3.700 phương tiện có công suất dưới 45 CV chỉ đánh bắt ven bờ và vùng lộng. Việc tập trung đánh bắt gần bờ với số lượng lớn không chỉ làm ảnh hưởng môi trường mà còn gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn thủy sản do khai thác quá mức.Vì vậy, cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ, chuyển đổi nghề đánh bắt hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển nghề khai thác hải sản bền vững ở Quảng Bình.Thực trạng nghề khai thác biển Ở Quảng Bình, phương tiện của ngư dân được phân bố ngư trường đánh bắt như sau: Vùng ven bờ với độ sâu từ 20 m trở vào là của các phương tiện thủ công, thuyền công suất nhỏ chuyên hoạt động bằng các nghề ven bờ như: xăm trủ, te giã ruốc, giã tôm, rê ba lớp, khai thác nhuyễn thể; vùng lộng sâu từ 20 đến 50 m là ngư trường chính của tàu, thuyền gắn máy từ 20 đến 40CV chuyên làm...
Vì vậy, cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ, chuyển đổi nghề đánh bắt hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển nghề khai thác hải sản bền vững ở Quảng Bình.
Thực trạng nghề khai thác biển
Ở Quảng Bình, phương tiện của ngư dân được phân bố ngư trường đánh bắt như sau: Vùng ven bờ với độ sâu từ 20 m trở vào là của các phương tiện thủ công, thuyền công suất nhỏ chuyên hoạt động bằng các nghề ven bờ như: xăm trủ, te giã ruốc, giã tôm, rê ba lớp, khai thác nhuyễn thể; vùng lộng sâu từ 20 đến 50 m là ngư trường chính của tàu, thuyền gắn máy từ 20 đến 40CV chuyên làm nghề mành ánh sáng, mành rút, giã kéo tôm, cá, câu mực; ngư trường sâu từ 50 m trở lên đòi hỏi tàu, thuyền trang bị máy từ 45CV trở lên, chịu được sóng, gió cấp năm, sáu, để làm nghề lưới vây, rê khơi, giã kéo cá, câu và chụp mực; riêng ngư trường ở độ sâu hơn 100 m thì tàu phải có công suất từ 90CV trở lên, có khả năng chịu được sóng gió cấp sáu, bảy và đánh bắt dài ngày trên biển bằng các nghề vây, chụp mực, câu khơi…
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh có 3.700 tàu, thuyền có công suất dưới 45CV, trong đó gần 3.300 phương tiện công suất dưới 20CV. Việc các phương tiện tập trung đánh bắt gần bờ với số lượng lớn không chỉ làm ảnh hưởng môi trường do xả chất thải mà còn gây ra tình trạng cạn kiệt, suy giảm nguồn thủy sản do khai thác quá mức. Xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là một thí dụ. Toàn xã có 572 chiếc thuyền công suất dưới 20CV làm các nghề te đẩy, kéo lưới tôm, giã cào… ở vùng ven bờ. Ngoài ra, để tăng sản lượng, một số ngư dân còn dùng phương tiện khai thác mang tính hủy diệt như nghề mành lùi kết hợp thả mìn, đánh mìn để lặn bắt, hoặc lưới kéo tôm sử dụng xung điện nên càng làm suy thoái môi trường biển và hủy diệt nguồn lợi. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các xã vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Vì vậy, cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ, tìm biện pháp chuyển đổi nghề khai thác hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nghề khai thác thủy hải sản bền vững ở Quảng Bình. Hướng chung là sắp xếp lại nghề cá ven bờ phù hợp; đồng thời từng bước thay thế các tàu, thuyền nhỏ ở vùng cửa lạch, vùng bãi ngang bằng các tàu, thuyền có công suất từ 22CV trở lên để vươn ra khai thác làn nước khơi.
Chuyển đổi nghề khai thác biển
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi nghề khai thác vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường theo hướng vươn khơi. Trong hai năm 2009 và 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã thực hiện mô hình khai thác cá dưa (còn gọi là cá lạc) bằng lưới rê tại hai xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới và Quảng Xuân huyện Quảng Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Yêu cầu đặt ra đối với hình thức khai thác này là tàu khai thác phải được thiết kế với công suất từ 45CV trở lên, hoạt động tốt ở độ sâu từ 50m nước trở ra, chịu được gió cấp sáu, cấp bảy. Trên tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc và cứu trợ, cứu nạn. Việc ra khơi khai thác phải được thực hiện theo hình thức tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ nhau trong quá trình tìm kiếm ngư trường và sản xuất trên biển. Ông Hoàng Vang, hộ tham gia mô hình lưới rê cá dưa ở xã Bảo Ninh cho biết: 'Nghề lưới rê rất thuận tiện, vừa là nghề chính vừa có thể kiêm nghề, sản phẩm đánh bắt có giá trị xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm khai thác ngoài cá dưa còn có các đối tượng khác có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá thu, mực…'. Từ bảy tàu làm mô hình, hiện nay đã có hơn 50 tàu trong tỉnh Quảng Bình làm nghề lưới rê khai thác cá dưa.
Ngư dân Nguyễn Văn Cẩn ở xã Quảng Xuân rất hồ hởi khi nói về mô hình khai thác mới này. Theo anh Cẩn, nghề lưới rê đánh bắt cá dưa có ngư trường lớn, dễ làm và ngay cả trong tuần trăng sáng vẫn ra khơi đánh bắt bình thường. Anh mô tả: 'Lúc thuyền di chuyển đến ngư trường, tui (tôi) chỉ cần thả lưới trôi theo dòng nước. Cá vướng vào lưới sẽ nhảy lên thì mắc vào lưới bùng nhùng. Sau khoảng tám giờ đồng hồ thì kéo lưới thu cá đưa vào hầm bảo quản'. Với cách làm như vậy, sau bảy chuyến ra khơi (52 ngày đi biển), tàu của anh Cẩn đã thu được hơn 6.000 kg cá dưa, cá mú và mực, doanh thu gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, tàu của anh có thu nhập 218 triệu đồng, bình quân mỗi ngư dân được trả lương hơn năm triệu đồng.
Xã vùng biển nổi tiếng tỉnh Quảng Bình là Cảnh Dương hiện có 50/334 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, trong đó có 17 tàu làm nghề khai thác ghẹ, ốc hương bằng lồng bẫy cũ hiệu quả không cao. Trước những trăn trở của ngư dân, tháng 6-2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện mô hình khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến. Với quy mô 880 lồng/bốn tàu, ngư dân Cảnh Dương thực hiện được 32 chuyến biển (218 ngày biển), bắt được 483 kg ốc hương, 1.245 kg ghẹ, doanh thu hơn 260 triệu đồng, lãi 160 triệu đồng. Bình quân mỗi chuyến biển bốn ngày, ngư dân thu được 10-12 triệu đồng/tàu, mỗi người được trả gần một triệu đồng. Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương, Đồng Thanh Đắng cho biết: 'Kiểu lồng bẫy mới này diện tích lớn hơn, cua, ốc hương bắt mùi thức ăn di chuyển vào trong lồng chìm dưới đáy biển nhưng không ra được. Cách làm mới này mang lại hiệu quả cao cho ngư dân. Gần như toàn bộ số tàu, thuyền khai thác gần bờ ở Cảnh Dương chuyển sang làm nghề khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến'.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cùng với việc đầu tư nâng cấp và đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, giảm mật độ tàu, thuyền đánh bắt tại cùng một ngư trường, việc chuyển đổi nghề và cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là hướng đi hợp lý để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản ở Quảng Bình. Hiện Quảng Bình đã có hơn 100 tàu, thuyền công suất dưới 20CV chuyển sang nghề khai thác mới. Không chỉ thu được hiệu quả kinh tế, hướng chuyển đổi nghề khai thác này cũng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Tuy nhiên, các nghề mới đều phải đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn hơn, trong khi đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn, nhất là các xã bãi ngang, do vậy cần có sự hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề, mua sắm phương tiện đánh bắt. Quá trình chuyển đổi nghề, cơ cấu lại phương tiện khai thác cũng phải có lộ trình và bước đi hợp lý trên cơ sở kế thừa để người dân không bị 'hẫng' khi bỏ nghề cũ nhưng nghề mới chưa thạo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()