Một chuyến đi biển của ngư dân Phú Yên.
Vươn ra khơi bảo vệ chủ quyền
8 giờ sáng 26-10, tàu cá PY 9044 cập cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa. Chủ tàu, thuyền trưởng Phạm Hùng còn rất trẻ, phấn khởi cho biết: Tàu xuất bến từ hôm 23-9, đến nay vừa đúng một tháng bốn ngày mới trở về đất liền. Chuyến này, tàu câu được 1,5 tấn cá ngừ và nhiều loại hải sản khác. Với giá cá ngừ hiện nay là 175 nghìn đồng/kg, doanh thu từ chuyến đi ước đạt 255 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng chuyến này, anh Hùng thu hơn 100 triệu đồng và 10 thuyền viên, mỗi người được chia năm triệu đồng.
Mới 36 tuổi nhưng anh Hùng đã có thâm niên câu cá ngừ đại dương 15 năm. Từ đi bạn cho các tàu khác, đến nay đã là chủ tàu đầy kinh nghiệm. Anh cho biết, năm nay cá ngừ được mùa. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tàu anh Hùng đi tám chuyến biển, đánh bắt khoảng 12 tấn cá ngừ xuất khẩu, doanh thu hơn hai tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu được 250-300 triệu đồng.
Ông Trần Kim Hoa, 62 tuổi, chủ của ba phương tiện tàu cá khai thác xa bờ ở phường 6, TP Tuy Hòa cho biết, năm nay mặc dù đã bước sang mùa mưa bão, hàng trăm tàu cá vẫn tổ chức bám biển dài ngày. Với ba tàu của ông Hoa, vụ cá năm nay khai thác 31,5 tấn cá ngừ. Trừ chi phí, mỗi tàu thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng. “Bà con ngư dân chúng tôi giờ đây đã thật sự làm chủ biển khơi, nhờ thông thạo luồng lạch, ngư trường, luật pháp biển đảo. Tàu cá được trang bị các phương tiện hiện đại, thường xuyên liên lạc với đất liền. Đặc biệt ngoài việc mưu sinh nhọc nhằn, ngư dân luôn đề cao cảnh giác, thực hiện sứ mệnh của một công dân Việt Nam, khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển” – ông Trần Kim Hoa khẳng định.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Phú Yên gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Cùng với việc phải đối mặt với những khó khăn giữa khơi xa trong điều kiện thời tiết mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường là việc lo phí tổn cho chuyến đi biển khi thời giá, nhất là giá xăng, dầu tăng cao, trong khi đó nguồn cá ngày càng suy giảm.
Khó khăn là vậy, nhưng trong cuộc mưu sinh trên biển, ngư dân Phú Yên vẫn không nản lòng, vẫn ngày đêm bám biển. Đặc biệt trong mùa này vẫn có 30% số tàu, thuyền ra khơi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết, trong 10 tháng qua, toàn tỉnh khai thác 42 nghìn 680 tấn hải sản các loại, tăng 7% so cùng kỳ; trong đó cá ngừ đại dương ước đạt 5.650 tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Nghề khai thác xa bờ đem lại lợi nhuận cao, đã thật sự góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn ven biển của tỉnh.
Để ngư dân vững tin bám biển
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên cho biết, từ năm 2004 đến nay, với phong trào vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của tỉnh, BĐBP đã tham mưu cho tỉnh thành lập 102 tổ tàu thuyền an toàn với 800 tàu thuyền và sáu nghìn ngư dân tham gia. Tổ tàu thuyền an toàn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hoạt động trên địa bàn khá rộng từ Bà Rịa – Vũng Tàu ra đến Hải Phòng, Quảng Ninh, đã bảo đảm được thông tin liên lạc lẫn nhau giữa biển khơi và đất liền với BĐBP và từng hộ gia đình có tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Các hoạt động chính là đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ; hỗ trợ giúp nhau hoạt động khai thác, bảo vệ môi trường và giải quyết sự cố trên biển; góp phần bảo vệ chủ quyền, giải quyết tranh chấp an ninh trên biển. Với mô hình này, ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau trong làm ăn trên biển khá hiệu quả, đồng thời tích cực tham gia, hỗ trợ cho Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo.
Ông Phan Thuẫn, ngư dân phường 6 cho biết, khi tham gia vào tổ tàu thuyền an toàn, bà con đánh bắt theo nhóm, tổ. Ra khơi xa, các tàu cá trong nhóm, tổ thường hoạt động cách nhau một đến hai hải lý. Khi tàu thuyền gặp sự cố, qua máy bộ đàm, bà con trong các tổ đã kịp thời liên lạc, thông báo và giúp nhau ứng cứu. Nhờ phương thức này mà nhiều năm nay, các tàu cá trên biển khi gặp sự cố đều bảo đảm an toàn.
Để giúp ngư dân vững vàng ra khơi, BĐBP đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân đối với công tác bảo vệ lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biên giới biển đảo. Đồng thời kết hợp lồng ghép phổ biến Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161/CP về quy chế khu vực biên giới biển, khu vực các vùng biển, chế độ pháp lý các vùng biển Việt Nam; vận động bà con ngư dân không xâm phạm sang vùng biển các nước chung quanh để khai thác. Bên cạnh đó, thông báo kịp thời cho ngư dân tình hình biển đảo, những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển.
Thuyền trưởng Lê Chí Long, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa vẫn thường hay nhắc câu chuyện ngư dân Phú Yên kiên quyết đấu tranh, giữ ngư trường trên biển. Cách đây hai năm, trong một chuyến biển gần quần đảo Trường Sa, tổ tàu thuyền an toàn của hai anh em ông Lương Công Đông, Lương Công Đồng đã bị một số tàu nước ngoài rượt đuổi, giành ngư trường, tranh cướp cá và ngư cụ. Nhờ xác định khu vực mình đang đánh bắt thuộc ngư trường Việt Nam, những người trong nhóm đã kiên quyết thả câu tại chỗ chứ không rời vùng đánh bắt. Tiếp đó, mọi người liên kết lại, bám đuổi theo chiếc tàu bọn cướp, đòi lại được một phần ngư cụ đã bị mất.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trạm phó Trạm kiểm soát Đà Rằng (Đồn Biên phòng 352) cho biết, mùa này cán bộ của trạm gần như trực 24/24 giờ bên bộ đàm thoại để thường xuyên liên lạc, kết nối thông tin với ngư dân đánh bắt xa bờ, tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển. Tại trạm Biên phòng Đà Rằng, được trang bị bộ đàm thoại ICOM 718, đồng thời toàn bộ các tàu thuyền của bà con cũng lắp đặt loại thiết bị này, cho nên việc liên lạc khá thuận lợi. Thông qua đó, kịp thời hỗ trợ, thông báo bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân đang ở trên biển biết, trú tránh vào nơi an toàn cũng như kêu gọi, vận động hàng chục tàu thuyền, ngư dân ứng cứu lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn. Qua hệ thống đàm thoại, năm năm qua, ngư dân đã cung cấp 1.376 nguồn tin có giá trị, qua đó BĐBP đã xử lý 375 trong số 760 đối tượng vi phạm. Qua hệ thống liên lạc trên biển, Bộ đội Biên phòng Phú Yên còn thường xuyên đề nghị bà con kiên quyết đấu tranh với tàu đánh cá nước ngoài để khẳng định chúng ta hành nghề ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, để bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động an toàn, tỉnh Phú Yên cũng đang quy hoạch gần 80 điểm neo đậu dọc bờ biển, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An); khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Đầm Cù Mông (vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) và đang tiếp tục triển khai dự án cảng cá Phú Lạc, huyện Đông Hòa; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi hải sản lồng bè xã An Hải, huyện Tuy An; khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đông Tác, TP Tuy Hòa…
Đại tá Nguyễn Văn Thắm, Chính ủy BĐBP Phú Yên đề xuất, cùng với các biện pháp đấu tranh trên phương diện ngoại giao, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình trên biển, thành lập thêm các kênh thông tin nhằm hỗ trợ ngư dân xử lý tình huống khi phát hiện tàu có dấu hiệu bất thường. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá trên mọi vùng biển, có cơ chế khuyến khích ngư dân ra khơi theo tổ đội, liên kết trong khai thác và giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn ngoài khơi. Cần thành lập lực lượng kiểm ngư xử lý nghiêm tàu cá nước ngoài vi phạm, đồng thời hỗ trợ và bảo vệ ngư dân đang làm ăn trên biển, động viên khuyến khích họ làm ăn và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
Ý kiến ()