Ngư dân miền Trung vượt khó ra khơi
Trong 3 ngày qua (từ 14 - 16/2), tranh thủ trời bắt đầu nắng ấm, biển hết động, nhiều tàu thuyền của ngư dân miền Trung sau nửa tháng nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và tránh biển động đã lại ra khơi. Tại âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng), không khí khá khẩn trương và nhộn nhịp. Đứng trước nhiều khó khăn, các ngư dân kỳ vọng chuyến ra khơi đầu năm sẽ hứa hẹn nhiều thành công mới.
Ngư dân chuẩn bị các vật dụng cần thiết trước giờ ra khơi |
Chấm dứt thời kỳ “ngủ đông”!
Đó là câu ví von mà ngư dân Nguyễn Văn Khương, chủ tàu cá QNg 97526TS (trú tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ với chúng tôi khi nói về những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa rồi, biển động mạnh do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió mùa đông bắc tăng cường nên tàu thuyền của anh và nhiều ngư dân khác không thể ra khơi.
Anh Khương cho biết, sau Tết, chuyến biển đầu năm mà tàu anh ra khơi thường từ mùng 3 Tết đến rằm tháng Giêng. Năm nào cũng vậy, chuyến biển này luôn mang đến nhiều thành công bởi sau nghỉ Tết, mọi người rất phấn khởi và có sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến ra khơi, giá sản phẩm đánh bắt được lại cao nên thu nhập khá lớn. Thế nhưng năm nay, sau nửa tháng biển mới hết động, chuyến biển đầu năm phải bị trễ.
“Ra khơi chuyến biển này, nhà tôi đi 2 tàu làm nghề giã cào (mỗi tàu có công suất máy 380CV) cùng đội ngũ ngư phủ là 13 người. Sau Tết Nguyên đán, tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết của chuyến biển như: dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, đá muối cá… với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng. Tôi dự kiến, chuyến biển này sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Mong rằng từ hôm nay, biển sẽ trở lại bình thường, không còn động nữa để chúng tôi bám biển dài ngày. Hy vọng thời kỳ “ngủ đông” đã qua rồi !” – ngư dân Nguyễn Văn Khương bày tỏ.
Năm mới, nhiều khó khăn mới
Cũng như anh Khương, ngư dân Văn Khiêm, chủ tàu cá QNg 98020TS cũng đến từ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nghỉ Tết kéo dài đến nửa tháng là khoảng thời gian mà anh rất lo lắng trong khi mọi năm, đây là thời gian cho anh chuyến biển đầu năm khá hiệu quả. Anh cho biết, thực ra ngay vào ngày mùng 2 Tết Giáp Ngọ, tàu của anh đã ra khơi nhưng chỉ đến hết mùng 6 tàu phải lại vào bờ vì biển động quá mạnh không thể đánh bắt được.
Anh Khiêm cho biết, gần 400 triệu đồng chi phí chuyến biển đầu năm cho đôi tàu do anh làm chủ cùng 13 lao động đi cùng đã không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, anh cũng tin tưởng, với số dầu và chi phí cho chuyến biển 15 ngày nhưng mới đi được 6 ngày thì vào bờ. “Hiện coi như vẫn còn, tôi đợi đến hôm nay biển yên mới ra khơi tiếp”- anh Khiêm bộc bạch.
Thế nhưng, theo lời anh Khiêm, với khởi đầu không mấy thuận lợi ngay trong chuyến biển đầu năm làm cho anh và nhiều ngư dân khác rất lo lắng bởi ngoài yếu tố biển động thì hiện nay vấn đề lao động đi biển đang rất khó khăn do thị trường lao động này bị khan hiếm. “Mặc dù giữa chủ tàu và lao động đã thỏa thuận có sự ăn chia 6/4 (chủ tàu 6, người lao động 4) nhưng thường sau Tết người lao động không muốn đi biển. Trong khi đó, nếu chuyển lên bờ làm phụ hồ hay một nghề gì đó khác thì mỗi ngày ít nhất kiếm được trên dưới 100.000 đồng và an toàn hơn. Mặt khác, trong năm 2013 vừa qua nhiều tàu đánh bắt thua lỗ nên ngư phủ không còn gắn bó với chủ tàu nữa”.
Theo ông Ông Văn Nhiên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Ban quản lý Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang), do biển động, giá cả một số sản phẩm đánh bắt đầu năm rớt giá, cộng với đó do khó khăn về lao động nên đến nay số tàu ra khơi đầu năm tại Âu thuyền ít hơn so với mọi năm.
Ông Nhiên cho biết, với sự hăng hái của ngư dân, lẽ ra chuyến biển đầu năm 2014 sẽ thành công lớn, song vì nhiều khó khăn nên không ít các chủ tàu đành “gác chèo”. “Mặc dù trong Tết, vẫn có nhiều ngư dân bám biển, ăn Tết trên biển để có sản phẩm về bán ngay trong những ngày đầu năm. Thế nhưng một phần biển động mạnh từ mùng 2, mùng 3 trở đi; một phần lượng hải sản đánh bắt năm nay sản phẩm không đa dạng, mà chủ yếu là cá ngừ (cá ngừ lá, ngừ chuồn), các sản phẩm như cá thu, mực, tôm… ít hơn nhiều (mỗi thứ chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng đánh bắt được). Thế nhưng, sản phẩm đánh bắt được nhiều nhất là cá ngừ cũng đã bị rớt giá vì sức mua không lớn và các nhà máy chế biến hạn chế thu mua, điều này đã làm các ngư dân thêm ngao ngán”- ông Nhiên chia sẻ.
Ra khơi |
Mong những mẻ lưới bội thu
Theo số liệu tổng hợp của phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Ban quản lý Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang), giá sản phẩm cá ngừ trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua chỉ khoảng 120.000 đồng/kg trong khi giá những ngày bình thường trước Tết là 300.000 đồng/kg.
Với những khó khăn kể trên, rất nhiều tàu thuyền trong những ngày sau Tết vẫn “án binh bất động” không ra khơi. Theo ông Ông Văn Nhiên, số tàu cập cảng những ngày Tết (từ mùng 3 đến mùng 7 Tết) bình quân 40 tàu/ngày. Con số này ít hơn so với các năm trước (khoảng 50 – 60 tàu/ngày/2013), bởi đây chủ yếu là các tàu gối đầu từ những ngày cuối năm qua Tết mới về; còn lượng tàu cập cảng đi và về trong Tết không đáng kể. Điều này cho thấy ngư dân không ra khơi được bởi các lý do như đã nêu.
Thực tế trên cho thấy, ngay từ đầu năm mới, nhiều khó khăn mới đã làm cho cái khó của các ngư dân thêm chồng chất. Trong đó 3 khó khăn lớn mà theo ông Ông Văn Nhiên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Ban quản lý cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang) chia sẻ: Thời tiết không ổn định, lao động đi biển khan hiếm và sản phẩm đánh bắt rớt giá. Tuy vậy, sau những ngày biển động, thời tiết ấm lên, ngư dân lại bắt đầu ra khơi. Điều này cho thấy quyết tâm bám biển của bà con ngư dân là rất lớn. Mong rằng quyết tâm đó của ngư dân sẽ được đền đáp trong năm mới này bằng những mẻ lưới bội thu.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()