Ngọt, thơm bánh khảo Tràng Định
LSO-Cứ mỗi độ tết đến xuân về, bánh khảo là món không thể thiếu trên bàn thờ để cúng tổ tiên, mang hương vị tết rất riêng của người Lạng Sơn. Nổi tiếng với hương vị thơm ngon rất khó lẫn với bánh khảo của các vùng quê khác, bánh khảo Tràng Định đã trở thành món quà xuân phổ biến cho mọi nhà.
![]() |
Người dân xã Chi Lăng gói bánh khảo bằng giấy bản nhiều màu sắc |
Gia đình bà Nông Thị Tuyết, thôn Xe Lán, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định là một trong những hộ làm bánh khảo lâu năm trên địa bàn huyện. Bà Tuyết cho biết: Gia đình tôi làm bánh khảo để phục vụ tết từ khoảng mười năm nay. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán này, gia đình đã bắt đầu làm bánh khảo được khoảng 1 tháng. Với 5 nhân công, trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm được từ 500 – 1.000 phong bánh khảo, bánh làm đến đâu, khách đặt mua đến đó. Khách hàng không chỉ trên địa bàn huyện mà còn từ các huyện và tỉnh khác như: Cao Bằng, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Phước…
Trao đổi với bà Tuyết, được biết những năm trước làm bánh khảo chỉ để phục vụ gia đình vào ngày tết; tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị hiếu về bánh khảo ngày càng tăng, nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất bánh khảo để cung cấp cho các đại lý trên địa bàn huyện, các huyện lân cận và tỉnh khác.
Theo những người làm bánh khảo ở huyện Tràng Định, thì làm bánh này không quá khó, nhưng để có được những phong bánh khảo thơm ngon cần phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mẩn. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, người dân đã đi chợ chọn loại gạo nếp thơm ngon, hạt tròn mẩy để làm bánh. Gạo nếp đem rang giòn rồi nghiền thành bột và ủ khoảng 1 tuần. Đường kính hoặc đường phên đem nấu, sau đó trộn với bột nếp, vò kỹ cho quyện vào nhau và sàng lọc lấy phần hỗn hợp mịn nhất. Tiếp theo đổ bột bánh vào khuôn, đóng thành hình. Nhân được đưa vào giữa hai miếng bánh trước khi ép. Cuối cùng những chiếc bánh khảo được cắt thành từng khối vuông vắn, được gói bằng giấy bản nhiều màu, buộc kín trong túi nilon để tránh cho không khí làm ỉu bánh. Tùy vào thị hiếu và đơn đặt hàng của khách mà chủ cơ sở sẽ làm ra những phong bánh theo yêu cầu.
Ở Tràng Định, vào những ngày giáp tết, hầu như gia đình nào cũng làm bánh khảo để cúng gia tiên, làm quà biếu bạn bè gần xa và là món ăn tiếp khách trong dịp năm mới. Chị Hoàng Thị Dén, thôn Bản Mạ, xã Đại Đồng cho biết: Bánh khảo ở Tràng Định đã có rất lâu đời, từ bé tôi đã thấy bà và mẹ làm rồi dạy cho cách đóng bánh khảo. Dù chỉ vài phong bánh đặt lên bàn thờ nhưng tết năm nào gia đình tôi cũng làm.
Giờ đây, bánh khảo Tràng Định đã trở thành món quà ngon và ý nghĩa. Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định đã hình thành khoảng 50 cơ sở sản xuất và hộ gia đình làm bánh khảo để bán dịp tết. Với mức giá dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng một phong, một số gia đình đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Lương Hồng Vinh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Làm bánh khảo là phong tục của người Tày, Nùng ở đây, là đặc sản được nhiều người biết đến, hiện sản phẩm không chỉ được bán trong tỉnh mà còn tiêu thụ sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, đến nay bánh khảo vẫn chưa có nhãn hiệu. Trong thời gian tới, để phát triển hơn nữa sản phẩm này, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu với UBND huyện và phối hợp với các phòng chuyên môn khác để xây dựng thương hiệu bánh khảo Tràng Định.
KIM HUYÊN

Ý kiến ()