Ngọt ngào vùng rau
LSO-Không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con trong thôn mà giờ đây, sản phẩm rau an toàn (RAT) của thôn Nà Hán, xã Tân Liên (huyện Cao Lộc) đã trở thành hàng hóa và vươn ra những thị trường rộng lớn.
Thành viên HTX rau thôn Nà Hán chăm sóc rau an toàn |
Với những điều kiện thuận lợi như gần sông, đất đai màu mỡ, từ lâu, người dân Nà Hán đã biết tận dụng lợi thế đó để phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng rau. Chị Hoàng Thị Đợi, người dân trong thôn cho biết: rau được trồng ở đây từ lâu. Tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu trồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với một số hộ dân khác trong thôn, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả như: cà chua, khoai tây, rau cải, su hào… Cũng từ đây, người dân trong thôn bắt đầu mang rau ra chợ bán.
Mấy năm gần đây, gia đình chị Đợi chuyển hẳn từ trồng rau theo kiểu truyền thống sang sản xuất RAT theo tiêu chuẩn Vietgap. Gần đây, gia đình luôn duy trì 5 sào rau, củ các loại. Trung bình mỗi sào cho thu nhập từ 6-7 triệu đồng, tính ra mỗi vụ rau (Thời gian một vụ rau kéo dài khoảng gần 4 tháng) đem lại cho gia đình từ 30-35 triệu đồng. Chị Đợi chia sẻ: so với một số loại cây trồng trước đây, thu nhập từ trồng rau không những cao mà còn ổn định hơn hẳn.
Tương tự như gia đình chị Đợi, nhiều hộ dân khác ở thôn Nà Hán cũng có những bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế nhờ trồng RAT. Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất đối với nhiều hộ trồng rau ở đây chính là vào tháng 6/2014, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tổ hợp tác (THT) RAT Nà Hán được thành lập với 30 thành viên. Diện tích trồng RAT của THT vào khoảng 150 sào, hộ ít cũng 2-3 sào, hộ nhiều lên tới 1 mẫu. Gọi là bước ngoặt quan trọng bởi từ khi có THT, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật của ngành chức năng thì mô hình sản xuất RAT được triển khai quy củ, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Bà Dương Thị Oai, Tổ trưởng THT cho biết: Vẫn trên diện tích trồng rau như vậy nhưng khi các thành viên tham gia vào THT, những khó khăn, tồn tại trước đây như vốn, kỹ thuật, thị trường đã dần được tháo gỡ. Các thành viên trong THT được tham gia các lớp tập huấn đã có thêm kiến thức, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Không dừng lại ở đó, để khắc phục hạn chế trước đây của người trồng rau trong tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tham gia các hội thi RAT, qua đó quảng bá được sản phẩm rau của THT. Cụ thể, gần đây nhất, Liên hiệp HTX Lạng Sơn đã gửi mẫu rau của THT rau Nà Hán xuống Hà Nội để kiểm nghiệm chất lượng và hiện nay đã có 2 sản phẩm là rau cải làn và cải ngọt của THT đủ tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội. Thời điểm này, THT tập trung thu gom đủ số lượng sản phẩm để chuyển đi tiêu thụ ở những thị trường lớn.
Với những lợi thế sẵn có cộng với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, không chỉ các thành viên trong THT mà người trồng rau nói chung đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Theo tổ trưởng THT Dương Thị Oai, với kinh nghiêm thực tế sản xuất nhiều năm cộng với cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, THT sẽ vận động các hộ khác cùng tham gia vào THT. Như vậy không chỉ đảm bảo sự đồng bộ trong sản xuất, đa dạng sản phẩm mà còn tạo những điều kiện tốt nhất cho các hộ trồng rau khác trong thôn nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất.
TÂN AN
Ý kiến ()