Ngọt ngào vùng na
LSO-Theo nhận định của cơ quan chức năng, na Chi Lăng năm nay chắc chắn chín muộn, một mặt do thời tiết, mặt khác lịch âm nhuận tháng Chín. Chậm vụ nhưng theo các nhà vườn, tỷ lệ đậu quả năm nay rất cao, sâu bệnh ít, nên dự kiến năng suất, sản lượng có thể đạt, thậm chí vượt năm trước. Trong khi đó, bên cạnh diện tích na truyền thống được trồng trên các sườn đồi, núi, việc đẩy mạnh đưa na xuống ruộng tạo cho na Chi Lăng một vụ sớm, tuy diện tích chưa nhiều, nhưng vụ sớm này có giá trị kinh tế rất cao.
Nông dân thôn Quán Bầu xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc na ruộng vụ mới |
Anh Phan Giang, Trưởng thôn Quán Bầu, xã Chi Lăng tỉ mẩn đếm từng quả na trên mỗi cây. Bằng kinh nghiệm của mình, người trồng na không để quả quá dày trên một cây mà có thể tỉa bớt để quả to hơn, mẫu mã đẹp. Anh Giang tâm sự: vì đây là na ruộng nên sẽ chín sớm hơn, giá trị na đầu vụ rất cao, như mọi năm khoảng 60.000 đồng/kg. Bởi giá trị cao nên nhà nông rất chăm bẵm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây thôn Quán Bầu là một trong những thôn có diện tích na lớn nhất của xã Chi Lăng và cũng là thôn đưa na xuống ruộng sớm nhất. Hiện toàn thôn có trên 3 mẫu ruộng cạn được chuyển đổi sang trồng na.
Gia đình anh Phan Giang có 7 sào na ruộng, trồng đúng kỹ thuật, thì mỗi sào có khoảng 60 gốc. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, chăm bón đúng thời điểm, mỗi gốc na ruộng cho năng suất khoảng 15 kg quả. Như vậy mỗi sào cũng cho thu hoạch xấp xỉ 9 tạ quả. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Từ khi đưa na xuống ruộng, người dân Quán Bầu kéo dài được thêm thời vụ thu hoạch na. Khi vụ na sớm sắp hết cũng là lúc na trên núi được thu. Giá trị nhờ đó cũng cao hơn hẳn so với trước kia chỉ chín rộ trong thời gian ngắn.
Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng phấn khởi: diện tích na của toàn xã hiện nay ước tính trên 500ha, hết đất núi đá để phát triển thêm, bởi vậy mà bà con tận dụng đất vườn đồi, ruộng cạn để mở rộng diện tích trồng na. Năm trước sản lượng na của toàn xã đạt 1.700 tấn, ước tính doanh thu đạt gần 26 tỷ đồng. Nếu như mọi năm, thời điểm này na núi đã đậu quả to, nhưng năm nay do điều kiện thời tiết nên các nhà vườn cũng mới chỉ hoàn tất việc thụ phấn. Dự kiến thời điểm na chín rộ sẽ chậm hơn so với năm trước khoảng 20 ngày. Thế nhưng theo kinh nghiệm của những người trồng na, với tỉ lệ đậu quả cao, ít sâu bệnh và điều kiện thời tiết như hiện nay, vùng na của xã Chi Lăng sẽ không bị ảnh hưởng tới năng suất.
Trao đổi về vấn đề này, bà Hà Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: không chỉ riêng ở xã Chi Lăng mà năm nay vùng na trong toàn huyện sẽ chậm vụ đôi chút, nhưng năng suất và sản lượng thì không ảnh hưởng, thậm chí sản lượng còn có khả năng cao hơn so với năm 2013. Với diện tích khoảng 1.200 ha, trong những năm gần đây, nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc như tỉa cành, thụ phấn, na Chi Lăng cho năng suất rất ổn định vào khoảng trên 7.000 tấn/năm, mang lại thu nhập trên 1 trăm tỷ đồng cho nhà nông.
Năm 2011, na Chi Lăng đã có nhãn hiệu được chứng nhận bảo hộ và ngay sau đó, với chất lượng của mình, na Chi Lăng cũng lọt vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Hai năm gần đây na Chi Lăng liên tục trúng mùa, được giá và năm nay vùng na lại hứa hẹn một vụ đầy triển vọng. Vùng na vẫn đang tiếp tục được mở rộng, từ núi đá, na đã xuống vườn, rồi thay thế cây trồng khác trên ruộng hạn. Người Chi Lăng trìu mến gọi một cách dân dã, cây na là “cây nông thôn mới”.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()