Ngôn ngữ là công cụ để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể
UNESCO kỷ niệm Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 2022 với chủ đề: “Sử dụng công nghệ để học đa ngôn ngữ: Thách thức và cơ hội”. (Ảnh: scoopearth.com) |
Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bởi nó bảo đảm sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau. Ngôn ngữ cũng giúp tăng cường hợp tác, xây dựng xã hội tri thức toàn diện, bảo tồn các di sản văn hóa và tạo điều kiện tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng cho mọi người. Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Năm 2007, UNESCO công bố tại phiên họp toàn thể tháng 11/1999, ngày 21/2 được chọn để kỷ niệm Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ nhằm thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ.
Lịch sử của ngày này bắt nguồn từ sự kiện: Vào 21/2/1952 ở Dhaka, thủ phủ của Bangladesh (khi đó là Đông Pakistan), cảnh sát đã xả súng vào đoàn sinh viên đang tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền công nhận tiếng Bengal là ngôn ngữ chính thức, làm 4 người thiệt mạng. Sự kiện này dẫn đến một phong trào phản đối dữ dội trên cả nước, kết quả đã buộc nhà cầm quyền phải công nhận tiếng Bengal (ngang với tiếng Urdu).
Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ được kỷ niệm hàng năm kể từ năm 2000 ở khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sự hiểu biết và đối thoại giữa các nền văn hóa càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Một nền văn hóa hòa bình chỉ có thể được xây dựng trong một không gian, nơi tất cả mọi người có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ một cách tự do và đầy đủ trong tất cả các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
Sử dụng công nghệ để học đa ngôn ngữ: Thách thức và cơ hội
Tổng Giám UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để bảo tồn và củng cố ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bản địa, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đa dạng và phổ quát.(Ảnh: FREEPIK) |
UNESCO kỷ niệm Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 2022 với chủ đề: “Sử dụng công nghệ để học đa ngôn ngữ: Thách thức và cơ hội”, nhằm thảo luận về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy giáo dục đa ngôn ngữ và hỗ trợ phát triển chất lượng dạy và học cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
“Công nghệ có thể cung cấp các công cụ mới để bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ. Những công cụ này sẽ truyền bá và phân tích, cho phép chúng ta ghi lại cũng như bảo tồn các ngôn ngữ đôi khi chỉ tồn tại ở dạng truyền miệng”, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu trong một thông điệp.
Theo bà Audrey Azoulay, những công cụ này sẽ góp phần làm cho các ngôn ngữ bản địa trở thành một di sản chung. “Tuy nhiên, vì Internet có nguy cơ đồng nhất hóa ngôn ngữ, chúng ta cần phải nhận thức rằng sự tiến bộ về công nghệ sẽ chỉ phục vụ cho mục đích đa dạng ngôn ngữ, miễn là chúng ta nỗ lực thực hiện điều đó”.
Theo UNESCO, “Trên toàn cầu, 40% dân số không được tiếp cận với một nền giáo dục bằng ngôn ngữ mà họ nói hoặc hiểu. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ thực sự được dành một vị trí trong các hệ thống giáo dục và phạm vi công cộng, và chưa đến 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số”.
Tuy nhiên, theo UNESCO, sự tiến bộ đang được thực hiện nhằm hướng đến nền giáo dục đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là trong giai đoạn mới đến trường. UNESCO tin rằng các xã hội đa ngôn ngữ và đa văn hóa tồn tại thông qua các ngôn ngữ “truyền tải và bảo tồn kiến thức và văn hóa truyền thống một cách bền vững”.
Chủ đề Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 2022 nhằm nâng cao vai trò của giáo viên trong việc thúc đẩy chất lượng dạy và học đa ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nêu bật vai trò của công nghệ và tiềm năng của nó để hỗ trợ việc dạy và học đa ngôn ngữ.
Công nghệ có khả năng giải quyết các thách thức lớn nhất tồn tại trong giáo dục ngày nay. Công nghệ có thể thúc đẩy các nỗ lực hướng tới đảm bảo các cơ hội học tập suốt đời một cách công bằng cho tất cả mọi người….
Trong khoảng thời gian các trường học phải đóng cửa do COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng công nghệ để duy trì việc học tập liên tục. Một cuộc khảo sát mới đây của UNESCO, UNICEF, World Bank và OECD tại 143 quốc gia cho thấy, 96% các quốc gia có thu nhập cao cung cấp chương trình học từ xa thông qua các nền tảng trực tuyến cho ít nhất một cấp học so với chỉ 58% các nước thu nhập thấp. Tại các nước thu nhập thấp, phần lớn các quốc gia cho biết họ sử dụng các phương tiện truyền thông như truyền hình (83%) và đài phát thanh (85%) để hỗ trợ việc học tập liên tục.
Theo UNESCO, rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ để dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà không ít các quốc gia đang nỗ lực khắc phục, vượt qua. Nhiều giáo viên hiện nay vẫn còn thiếu kỹ năng và sự sẵn sàng để ứng dụng công nghệ cho hình thức dạy học từ xa. Bên cạnh đó, nhiều người học còn thiếu các thiết bị cần thiết, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để học tập từ xa. Hơn nữa, các công cụ, chương trình và nội dung dạy và học từ xa không phải lúc nào cũng có thể phản ánh tính đa dạng của ngôn ngữ.
Nhân Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 21/2, bà Audrey Azoulay đã kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để bảo tồn và củng cố ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bản địa, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đa dạng và phổ quát. UNESCO ủng hộ những chính sách thúc đẩy ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ bản địa, đặc biệt là tại các quốc gia đa ngôn ngữ. Cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc này cũng khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở nơi công cộng và nhất là trên Internet, nơi mà đa ngữ nên trở thành quy định bắt buộc./.
Ý kiến ()