Ngổn ngang tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng khá. Trong ảnh: Vận hành sản xuất điện tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (Công ty thủy điện Buôn Kuốp).
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 với một trong ba trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đi được nửa chặng đường và đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Nhưng thực tế triển khai cho thấy đến nay, vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản trong chất lượng hoạt động của các DNNN. Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các bên trong công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát thực hiện.
Bức tranh nhiều mầu xám
Bên cạnh sự vươn lên của một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Khí Việt Nam…, bức tranh về khu vực DNNN vẫn còn nhiều gam mầu xám. Báo cáo số 217/BC-CP ngày 24-5-2018 của Chính phủ về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2011 – 2016 cho thấy, tính đến cuối năm 2016, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế hơn 12.500 tỷ đồng và sáu công ty mẹ còn lỗ lũy kế hơn 4.500 tỷ đồng. Danh sách DNNN lỗ nghìn tỷ có những tên tuổi lớn như: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (Gtel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN vẫn đang có xu hướng giảm sút trong những năm gần đây và chưa tương xứng với tiềm lực nắm giữ. Năm 2016, các DNNN nắm giữ tổng tài sản 3,1 triệu tỷ đồng (tương đương 69% GDP), vốn chủ sở hữu đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng. So với năm 2015, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các DNNN tăng lần lượt 3,5% và 4,3% nhưng doanh thu giảm 1%, lợi nhuận trước thuế giảm 14%. Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của ngân hàng, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao, còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Hệ số ICOR của DNNN cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. DNNN phải bỏ ra gần 10 đồng vốn để thu về một đồng tăng trưởng, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ bỏ ra năm đồng, khu vực ngoài nhà nước chỉ bỏ ra sáu đồng để có một đồng tăng trưởng. Với tình trạng này, Bộ KHĐT đánh giá, mục tiêu bao trùm của quá trình tái cơ cấu DNNN là “nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN” như đã đặt ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội khó có khả năng hoàn thành.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tỏ ra lo lắng: Nguyên nhân yếu kém của DNNN là do vấn đề nội tại. Gốc rễ nằm ở sở hữu và động lực phát triển DN, nếu tỷ trọng sở hữu của Nhà nước ở DN vẫn cao sẽ khiến những nỗ lực cải cách không có nhiều ý nghĩa, không đạt được hiệu quả như mong muốn. Song việc giảm tỷ trọng sở hữu nhà nước tại DN luôn là một quá trình gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, tính đến tháng 1-2018, cả nước còn hơn 500 DNNN, số DN do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ chỉ còn hoạt động trong 11 ngành, lĩnh vực then chốt thay vì hiện diện tại 60 ngành, lĩnh vực như thời điểm năm 2001. Xét về số lượng, đã có hơn 95% số DNNN thực hiện CPH nhưng Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến thời điểm cuối năm 2017, tổng số vốn nhà nước bán ra chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại DN. Sáu tháng đầu năm 2018, tình hình có cải thiện hơn, chất lượng CPH, thoái vốn được nâng cao một bước nhưng cơ bản vẫn chậm so với kế hoạch.
Vận hành sản xuất phân bón tại Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), huyện Bảo Thắng (Lào Cai).
Đột phá quản trị doanh nghiệp
Trong số chín mục tiêu đặt ra cho quá trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020, đến nay chỉ có một mục tiêu hoàn thành. Đó là thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại DN – cơ quan chuyên trách làm đại diện sở hữu vốn đối với DNNN. Các chuyên gia kinh tế nhận định đây là cơ sở để hy vọng tạo được sự đột phá về quản trị DNNN, tiến tới thay đổi về chất. “Ủy ban này phải là cơ quan chuyên trách, có vị thế của nhà đầu tư, tập trung quản lý vốn thay vì quản lý nhà nước, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Các DNNN phải phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nói.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tái cơ cấu DNNN phải dùng ba tầng giải pháp: bắt buộc DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường; thay đổi quản trị DN theo thông lệ quốc tế và CPH, thoái vốn. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ tập trung vào CPH, thoái vốn nhưng giải pháp này sẽ không còn nhiều dư địa. Thời gian tới cần thay đổi, tập trung thực hiện tầng giải pháp thứ nhất và thứ hai. Trước hết, bắt buộc DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường lời ăn lỗ chịu, nếu thất bại phải phá sản, chịu sự trừng phạt của thị trường, không giải cứu. Quan trọng là phải đột phá vào quản trị DNNN, có cơ chế chọn người tài vào Hội đồng quản trị và tạo không gian đủ lớn để trao quyền tự chủ kinh doanh cho DN với yêu cầu phải công khai, minh bạch công bố thông tin.
“Chủ sở hữu là Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của DN, giám sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban điều hành theo chỉ tiêu đặt ra, nếu thấy có nguy cơ không hoàn thành thì bãi nhiệm, không phải chờ đến khi để xảy ra thua lỗ mới loay hoay xử lý” – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, và cho rằng cần giao cho các DNNN nhiệm vụ, chỉ tiêu tương xứng với nguồn lực nắm giữ, ít nhất phải đạt lợi nhuận bằng mức lãi suất vay vốn trên thị trường (khoảng 10%) thay vì mục tiêu “bảo toàn và phát triển vốn”. Từng bước tiến tới mục tiêu xa hơn là có DNNN lọt vào tốp 500 DN của thế giới, quản trị công ty tốt để đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, New York.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có cách tiếp cận mới về tái cơ cấu DNNN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, như xác định mục tiêu bao trùm là tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại DN dựa trên việc cải cách quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc để có thể truy cập trực tuyến về tình hình hoạt động và tài chính của các DNNN… Đây cũng chính là hướng đi của Ủy ban QLVNN tại DN.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại DN, cơ quan này đã phối hợp với một số đơn vị xây dựng hệ thống quản lý DN trực tuyến hoàn toàn tương thích và có thể liên kết hệ thống Chính phủ điện tử. Hệ thống gồm bộ chỉ số chung, chia làm các nhóm ngành hàng quản lý đến từng DN với mục tiêu giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp để nắm tình hình nhân sự, tổng vốn, chi tiêu, ngân sách tiền lương, năng suất lao động…, thay vì cách giám sát hoàn toàn dựa trên báo cáo của DN như trước đây. Dự kiến sẽ có 19 tập đoàn, tổng công ty, chiếm 80% tổng tài sản hiện có của các DNNN được chuyển về Ủy ban.
Giai đoạn 2011-2015 cả nước phá sản tám DNNN thua lỗ nhưng trong hai năm 2016 và 2017 chỉ phá sản một DN, quá ít so với tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, yếu kém của khu vực DNNN. Có những DNNN nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao nhưng chưa bị xử lý, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Để tái cơ cấu, cần xử lý dứt điểm các DN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Ông Phạm Đức Trung Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương |
Theo Nhandan
Ý kiến ()