Ngôi trường trên quê hương Nguyễn Khuyến
Giờ thực hành môn tin học của học sinh Trường THPT A Bình Lục. |
Thế hệ những người thầy
Trong cái se lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi về thăm ngôi Trường THPT A Bình Lục trên quê hương Nguyễn Khuyến nhân dịp trường tròn 50 tuổi. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm của một “đại gia đình”, chúng tôi được gặp, được nghe và trò chuyện với các thế hệ giáo viên, học sinh của nhà trường, trong đó có nhiều thầy giáo, cô giáo đã gắn bó với trường, với các lớp học sinh ngay từ những ngày đầu thành lập.
Mặc dù đã về hưu, nhưng mỗi khi nhắc đến trường, thầy giáo Triệu Minh Năng (người đã có hơn 40 năm gắn bó với trường) lại bồi hồi, xúc động nhớ về những năm đầu thành lập trường. Khi đó, nhà trường gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ do đất nước còn chiến tranh, việc học hành không được suôn sẻ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Sau mỗi mùa tuyển quân, sĩ số của các lớp thường xuyên bị tụt giảm do nhiều học sinh đã tình nguyên xung phong lên đường nhập ngũ. Trong số đó, đã có những học sinh của trường anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều học sinh sau khi từ chiến trường trở về lại tiếp tục cắp sách đến trường và họ gặp lại những người bạn năm xưa cùng lớp nay đã trở thành thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn đó, bù đắp lại cho hoàn cảnh khó khăn là sự nhiệt tình, tận tụy dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo, sự hăng say chăm chỉ học tập của các lớp học sinh. Ở vùng quê chiêm trũng, vào những ngày mưa, học sinh phải xắn quần, cho dép và sách, vở vào cặp hoặc túi cói rồi đội lên đầu lội nước hàng vài cây số từ tờ mờ sáng để đến trường cho kịp giờ học. Có những học sinh ở các xã xa trường đến hơn mười cây số thì phải trọ lại nhà dân gần trường để tiện cho việc học tập. Vất vả, gian khổ là vậy mà ai cũng ham học. Tình cảm thầy, trò là sự sẻ chia, gắn bó như người ruột thịt trong nhà, có học sinh nhà nghèo không có điều kiện đi học đã nghỉ học giữa chừng, thầy giáo, cô giáo đã đến tận nhà động viên, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn và tiếp tục đến trường.
Cô giáo trẻ Vũ Thị Tuyết Lan, cách đây năm năm về trước, còn là một học sinh giỏi văn của trường, nay đã trở thành cô giáo dạy toán chững chạc, tự tin đứng trên bục giảng của nhà trường. Cô Lan tâm sự: Ngày rời Trường THPT A Bình Lục để bước vào cuộc sống với bao bỡ ngỡ, chúng tôi mang trong mình hành trang đầu đời không chỉ là nền tảng kiến thức vững chắc mà các thầy giáo, cô giáo đã miệt mài bồi dưỡng mà còn là ngọn lửa đam mê cháy bỏng mà thầy cô giáo đã dày công vun đắp. Chính những hành trang đó đã nâng đỡ, động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống. Và giờ đây, khi đã trở thành cô giáo đứng trên bục giảng của chính ngôi trường xưa mà mình đã được học, tôi luôn dạy các học trò của mình rằng các em hãy cố gắng, nỗ lực vươn lên để thực hiện những dự định, ước mơ của mình, đừng phụ công lao, niềm tin, sự kỳ vọng mà các thầy giáo, cô giáo đã gửi gắm.
“Lớp cha trước, lớp con sau” điều đó đã trở thành niềm tự hào riêng có đối với các thế hệ người thầy của Trường THPT A Bình Lục, bởi trong tập thể giáo viên nhà trường hôm nay đã có nhiều gia đình thầy giáo, cô giáo mà hai, ba thế hệ đều là giáo viên. Giữa những mái đầu bạc có những mái đầu xanh, trong buổi gặp mặt đầy xúc động với các thầy giáo, cô giáo tôi đã được gặp, được nghe nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm thật cảm động của những thầy, cô đã và đang gắn bó, xây dựng trường.
Quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
“Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu mà cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường luôn hướng tới”, đó là khẳng định của thầy Lê Chí Huấn, Hiệu trưởng nhà trường. Với quyết tâm đó nên nhiều năm qua, quy mô nhà trường liên tục được phát triển, mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Từ năm học 2002 đến nay, trường luôn duy trì quy mô hơn 30 lớp học với khoảng 1.500 học sinh và hơn 70 cán bộ, giáo viên. Năm học 2012 – 2013, Trường THPT A Bình Lục có 30 lớp với hơn 1.300 học sinh và 76 cán bộ, giáo viên. Nhà trường đã có đủ phòng học, không còn tình trạng học hai ca, có thư viện, có khu làm việc, các phòng học bộ môn, phòng học chức năng khang trang, bề thế, với các trang thiết bị từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được học tập nâng cao trình độ. Hiện tại nhà trường có năm giáo viên có trình độ thạc sĩ, bốn giáo viên đang học cao học. Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” các thầy giáo, cô giáo thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, tăng cường dự giờ thăm lớp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, đổi mới quản lý. 100% số giáo viên nhà trường đều đạt chuẩn nghề nghiệp loại khá trở lên, nhà trường có bảy giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 32 giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường trong những năm qua rất đáng khích lệ. Hơn 90% học sinh của nhà trường đạt hạnh kiểm khá, tốt; từ 6,3 đến 7,4% số học sinh đạt học lực loại giỏi; 49,8-51,4% số học sinh đạt loại khá. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hằng năm cao từ 99,98% đến 100%. Từ năm 2009 đến nay, trường thường xuyên được xếp vào tốp 200 trường có điểm thi đại học cao trong toàn quốc.
Trong suốt 50 năm qua, Trường THPT A Bình Lục đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay, thầy và trò nhà trường có thể tự hào về mái trường có bề dày truyền thống, với cơ sở vật chất khang trang, với môi trường sư phạm nền nếp, chất lượng giáo dục toàn diện đạt được các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, với sự nỗ lực cố gắng của tập thể thầy giáo, cô giáo và sự cố gắng chăm chỉ học tập của các em học sinh đã đạt được rất nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý. Đó là những thành quả mà các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của trường đã dày công vun đắp và trong thời gian tới những thành quả ấy còn nhân lên gấp nhiều lần nữa.
Ý kiến ()