Ngôi trường trên đỉnh núi Mẫu
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mẫu Sơn trong hoạt động ngoài giờ |
“Lửa nghề” giữa băng giá
Trò chuyện cùng chúng tôi trong thời tiết ấm áp hiếm có giữa mùa đông này trên đỉnh Mẫu Sơn, cô giáo Vi Thị Biên, giáo viên nhà trường nhớ lại: Đã hơn 3 năm vợ chồng em gắn bó với ngôi trường này, song kỷ niệm khó quên nhất là đợt rét kỷ lục vào cuối tháng 1/2016. Giữa đêm ấy trời chuyển rét đậm. Từng đợt gió buốt cùng với băng tuyết phủ đầy nóc nhà, kín sân trường. Giữa bão tuyết, hai vợ chồng em khoác chăn cùng các anh quản sinh đi đến các phòng bán trú thăm hỏi, kiểm tra học sinh; đến các phòng như thư viện, thiết bị để che chắn cho khỏi hỏng, ướt. Kiểm tra xong, người cũng ướt, ngồi co ro, muốn đốt sưởi mà củi lại ướt, gió lại lớn, đành ngồi ôm nhau để chờ trời sáng…
Thầy Hứa Văn Minh, Phó Hiệu trưởng, người đã có 7 năm nếm trải bão giông, mưa lớn, băng dày, tuyết phủ ở ngôi trường bên sườn núi Mẫu cho biết: Tôi đã đi nhiều trường, kể cả những trường rất khó khăn của Lộc Bình, song có lẽ đây là ngôi trường chịu nhiều thử thách nhất của thiên nhiên. Ở vị trí trống trải nơi đỉnh núi, nắng thì như chảo lửa, mưa như thì như thác trời, còn mùa đông thì như cái ngăn đá của chiếc tủ lạnh Mẫu Sơn. Ở đây, nếu mỗi giáo viên nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ cần 2 mùa mưa, 3 mùa đông, tất cả sẽ hoang tàn. Và như vậy sẽ không tồn tại những lớp học bán trú. Hơn ở đâu hết, “lửa nghề” phải thắng giá băng; lòng yêu nghề, mến trẻ phải được gắn với tinh thần trách nhiệm cao và sự kiên trì, trong đó có cả sự dũng cảm cần thiết. Có như vậy mới huy động được 100% học sinh hoàn thành cấp tiểu học vào lớp 6, duy trì 100% sĩ số trong suốt năm học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ươm chồi nơi sỏi đá
Em Hoàng Thị Cói, học sinh lớp 9, thôn Lặp Pẹ là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em thổ lộ với chúng tôi: Do đường sá quá xa xôi (nhà cách trường trên 30 km đường núi quanh co), nên ba anh chị trước chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà. Nếu không có chế độ bán trú, chắc em và em trai út cũng giống như anh chị đi trước và cuộc đời cứ quanh quẩn bên những sườn dốc đá của núi Mẫu để làm nương làm bãi. Trò chuyện với 2 anh em Triệu Văn Lỷ và Triệu Văn Sơn đều là học sinh lớp 9, chúng tôi hiểu sự trợ giúp của nhà nước về chuyện học hành của học sinh đồng bào Dao nơi đây là vô giá. Nhà ở thôn Khuổi Tẳng, tuy không quá xa trường, song do có nhiều dốc ngược, nên hằng ngày 2 anh em phải leo dốc hơn 2 giờ đồng hồ mới lên tới trường. Được hỏi tại sao không ở bán trú, hai em nói rằng, không ăn ở bán trú để còn lấy tiền chế độ (tiền ăn, tiền hỗ trợ nhà ở, gạo…) về để “cả nhà cùng ăn”. Sơ bộ nhẩm tính, mỗi năm học, hai anh em có được 2,7 tạ gạo và trên 14 triệu đồng tiền ăn và hỗ trợ nhà ở để sinh hoạt, trang trải cùng gia đình.
Là một xã đất rộng, người thưa, địa hình quá khó khăn, trước đây, xã Mẫu Sơn thường gặp khó trong việc huy động trẻ tới trường và duy trì sĩ số, nhất là cấp THCS. Được chuyển đổi sang loại hình dân tộc bán trú từ năm 2012, cấp THCS Mẫu Sơn đã có sự chuyển biến nhanh. Tỷ lệ huy động vào lớp 6 luôn đạt 100%, duy trì sĩ số đạt 100%; chất lượng có sự chuyển biến rõ rệt. Trước năm 2010, Trường THCS xã Mẫu Sơn không có học sinh được xếp loại học lực giỏi, tỷ lệ học lực khá cũng chỉ ở mức dưới 10%, còn lại là trung bình và yếu. Từ khi chuyển đổi loại hình, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng dần, đến năm học 2015-2016 đã là 13,6%, tỷ lệ khá là 43,2% và chỉ còn 1,2% loại yếu. Kết quả này góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập THCS trên địa bàn. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có từ 12-15 học sinh dự thi vào trường THPT, tỷ lệ đỗ và được nhận vào học đạt trên 70%. Số không thi vào THPT, trừ một số ít ở nhà lao động sản xuất, nhiều em đã vào Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn để học nghề.
Vẫn còn nhiều khó khăn ở ngôi trường này, song bằng nghị lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, với chế độ ưu việt của giáo dục dân tộc, đây chính là nơi người Dao Mẫu Sơn gửi gắm niềm tin và hy vọng vào sự vươn lên của những thế hệ con cháu họ.
Ý kiến ()