Ngôi trường tạm bợ ở Thủ đô
NDĐT – Ngay ở quận trung tâm thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, bao lâu nay vẫn tồn tại một ngôi trường tiểu học không đáng gọi là trường – đó là Trường tiểu học Võ Thị Sáu.
Trường phân tán ở ba địa điểm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, với cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ. Tất cả các điểm trường đều chung cảnh chật chội, ẩm thấp, và không được quy hoạch dành riêng cho trường học. Cô trò ở đây đang gồng mình lên để dạy và học.
Trường tạm bợ hay lớp học tình thương
Trường tiểu học Võ Thị Sáu có bề dầy lịch sử gần 50 năm. Thế nhưng nhiều năm nay, trường phân tán ở ba địa điểm được bố trí lẫn trong sân chùa và khu dân cư. Ở địa điểm 18 Hàm Long, do gần các quán ăn, các em học sinh đến trường phải đi qua giữa ngổn ngang xô chậu, bát đĩa, bàn ghế, giữa các bếp than tổ ong đỏ rực bốc mùi khét lẹt. Ở địa điểm 24 Trần Hưng Đạo chỉ có một lớp học được bố trí tạm bợ. Không ai nghĩ trong ngõ nhớp nháp trời mưa, qua các quán nhậu ồn ào là con đường tới trường hằng ngày của các em. Cơ sở 3 của trường ở 35 Trần Hưng Đạo có vẻ khang trang hơn cả. Nhưng ngay cả ở đây thì cổng vào của trường cũng chung với lối vào của một công ty, của quán cà phê và mấy hộ dân sinh sống.
Do trường mượn tạm nên không có không gian riêng cho việc dạy và học. Ở Hàm Long, trường được bố trí ngay trong khuôn viên của nhà chùa. Thẳng lối từ cổng vào là lớp học được bố trí ở tầng một, còn tầng hai là sân của chùa Hàm Long. Hằng ngày, các em đã quen với tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng cầu nguyện, quen với mùi khói nhang nghi ngút, nhất là những ngày rằm, mồng một, ngày lễ xá tội vong nhân… Có vẻ như các em đã thuộc lòng giờ sinh hoạt của nhà chùa chẳng khác nào thời khóa biểu hằng ngày. Không gian cho học tập không bảo đảm nói gì đến hoạt động vui chơi cho các em. Giờ ra chơi các em chạy qua lại trong giữa ngổn ngang bát đĩa, xô chậu. Hoặc nhốt mình trong khu hành lang dài hẹp, đứng nhìn khoảng không treo đầy quần áo, nồi niêu của các hộ dân như ở điểm 35 Trần Hưng Đạo.
Mỏi mòn chờ trường mới
“Không có sân nên chúng con chỉ chơi trò trốn tìm sau cửa lớp thôi” – K.H, học sinh lớp 1 hồn nhiên. Ước mơ về một ngôi trường to có sân chơi đá bóng, đá cầu lông là khao khát của tất cả các em học sinh ở đây. “Con hay chơi nhảy dây… ngoài đường, trời mưa thì con chơi ô ăn quan trong lớp. Vì trường bé nên con chỉ chơi được thế thôi” – em N.M, học sinh lớp 4 nói.
Không chỉ các con thiệt thòi mà không ít phụ huynh cũng gặp biết bao phiền toái trước cảnh trường phân tán như vậy. “Hai cháu nhà tôi đều học ở trường này, nhưng anh thì học ở 24 Trần Hưng Đạo mà em thì học ở 35 Trần Hưng Đạo nên hằng ngày tôi lại phải đưa rồi đón hai anh em ở hai nơi bất tiện lắm. “Giá mà trường được tập trung một nơi thì các phụ huynh có nhiều con học ở trường đâu vất vả đến vậy” – một phụ huynh lớp 3C tâm sự. Hằng ngày việc gặp gỡ trao đổi với giáo viên cũng khó khăn đối với các bậc phụ huynh. Vì hầu hết các địa điểm của trường không có nơi để xe. Dù muốn tranh thủ gặp cô giáo để trao đổi lúc cuối giờ học thì cũng đành phải chịu. Giờ tan học, phụ huynh đứng tràn dưới lòng đường, vỉa hè để chờ đón con do trường không có sân, hoặc có được mảnh sân thì cũng bé tí. Tắc đường là chuyện thường ngày vẫn diễn ra ở đây ở các cơ sở của trường.
Tuy nhiên, trong cảnh trường xập xệ, tạm bợ, cô trò trường tiểu học Võ Thị Sáu vẫn cố gắng phấn đấu để dạy tốt, học tốt. Các cô giáo ở trường đã dành được danh hiệu gương giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp quận của quận Hoàn Kiếm như cô giáo Lê Thu Hiền…Tuy nhiên để xét danh hiệu trường đạt tiêu chuẩn xuất sắc của quận hay thành phố thì có vẻ như xa vời với trường tiểu học Võ Thị Sáu. Vì ngoài thành tích học tập, dạy học thì cần phải có cơ sở vật chất bảo đảm cho cảnh quan sư phạm. Mục tiêu đạt tiêu chuẩn trường xuất sắc không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Cô Phương Thảo, Hiệu phó của nhà trường cho biết: Từ nhiều năm trước, quận Hoàn Kiếm đã có kế hoạch để xây dựng trường học quy mô 25 phòng theo hình chữ U tại địa điểm 35 Trần Hưng Đạo với kinh phí 100 tỷ đồng. Điều này nhen nhóm hy vọng cho học sinh, phụ huynh và các giáo viên của trường. Nhưng thời gian trôi qua, cơ sở vật chất của trường cũng không có gì thay đổi, thậm chí ngày càng xuống cấp hơn. Cô chủ nhiệm lớp 3C quen với cảnh báo chí đến thăm, nhưng vẫn không giấu nỗi thất vọng, chua chát nói: “Bao nhiêu năm rồi có thay đổi được gì đâu. Báo chí kêu mãi, nói mãi cũng vậy. Không biết cô trò chờ đến khi nào?”.
Một mùa tuyển sinh lại bắt đầu. “Năm nay số lượng học sinh vào lớp 1 tăng cao, chúng tôi đang lo, không biết làm thế nào để bảo đảm điều kiện học đủ trường, lớp cho các cháu?”- Cô Phương Thảo, Hiệu phó nhà trường lo lắng.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8793: 2011- tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu và thiết kế trường tiểu học thì cả ba địa điểm của trường Tiểu học Võ Thị Sáu đều không đủ tiêu chuẩn để gọi là trường. Vậy mà bao lâu nay biết bao nhiêu khóa học sinh của trường đã phải chịu đựng trong cảnh học tập như vậy.
Tầng một là lớp học còn tầng hai là sân chùa.
Ý kiến ()