Thứ 7, 23/11/2024 02:46 [(GMT +7)]
Ngôi trường ở vùng đất hiếu học
Thứ 3, 31/08/2010 | 10:16:00 [(GMT +7)] A A
Chúng tôi về thăm Trường THPT A Thanh Liêm vào một ngày tháng tám nắng đẹp, trời trong. Chúng tôi về với nhà trường là về với miền đất hiếu học, quê hương của phong trào “Hai tốt”, ở nơi ấy vẫn vang lên tiếng trống Bắc Lý, thắm tươi khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Quyết đón chúng tôi nơi cổng trường. Với tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, thầy mời chúng tôi đến phòng khách. Vui vẻ và phấn khởi, thầy nói với chúng tôi:
– Nhà trường vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam công nhận đạt chuẩn quốc gia và đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập. Trường chúng tôi được thành lập vào năm 1965 và là trường cấp ba đầu tiên của huyện. Trong thời gian qua, nhà trường đã đào tạo được hơn 16 nghìn thanh niên có học vấn trung học phổ thông. Những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 98 đến 100%, tỷ lệ vào các trường đại học, cao đẳng từ 47 đến 50%. Em Ngô Thị Tuyên đỗ đầu Trường đại học Sư phạm Hà Nội với 30 điểm. Trường đứng trong tốp 200 trường THPT có kết quả thi đỗ đại học cao toàn quốc.
Thầy Quyết dẫn chúng tôi đi thăm khu lớp học, phòng học bộ môn, khu vui chơi giải trí, nhà tập đa năng, thư viện, phòng giáo dục truyền thống. Bước vào phòng truyền thống, mô hình nhà trường mười năm đầu, mới thành lập ở thế kỷ trước như hút hồn chúng tôi. Chúng tôi ghi chép sao hết được công lao đóng góp của hơn 16 nghìn thanh niên được đào tạo ở trường cho cách mạng và kháng chiến, cho sự nghiệp xây dựng quê hương, cho sự nghiệp phát triển văn hóa ở hai trung tâm lớn Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đất lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh và các nơi khác trong và ngoài nước. Có sự đóng góp, hy sinh nào cao cả bằng xương, máu. Chúng tôi, ai cũng thương tiếc, biết ơn trước hương hồn của hàng trăm liệt sĩ. Một thầy giáo của nhà trường kể lại:
– Liệt sĩ Trần Kim Chiến là học sinh khóa một, đẹp trai, học giỏi, đoạt giải ba môn Văn miền bắc vào năm 1967. Anh Chiến vào quân đội, làm công tác văn hóa, văn nghệ, hy sinh năm 1970.
Cho đến bây giờ, những học sinh thành đạt, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, công tác từ địa phương đến trung ương, phần đông được đào tạo trong mười năm đầu thành lập nhà trường. Các anh, các chị có một điểm chung là rất yêu quê hương, yêu mái trường. Từ tình yêu này mà các anh, các chị thường xuyên quan tâm, động viên các thế hệ thầy giáo, cô giáo, học sinh nhà trường.
Điều rất vui của chúng tôi là các thầy hiệu trưởng từ ngày đầu thành lập đến nay vẫn khỏe mạnh. Thầy Trần Cừ, Hiệu trưởng đầu tiên, nay đã 82 tuổi đời, 62 tuổi Đảng, thầy vừa đảm nhiệm công tác lãnh đạo, vừa đứng lớp dạy môn Hóa học, môn Pháp văn cuối cấp, đạt kết quả cao. Các thầy Trần Văn Lộc, Lại Văn Hiến đã về hưu. Thầy Nguyễn Văn Khoát, nay là Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nam. Chúng tôi xin được trân trọng ghi nhận những đóng góp tích cực của các thầy, cô giáo: Hoàng Văn Lựu, Đinh Phú Thịnh, Nguyễn Văn Khôi, Lê Ngọc Bách, Nguyễn Trung Hy, Phạm Văn Hoan, Phạm Văn Khúc, Lê Huy Hòa…
Theo đồng chí Trịnh Văn Thực, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm, tất cả chín đồng chí trong Ban thường vụ khóa 2005 – 2010 và 11 đồng chí trong Ban thường vụ khóa 2010 – 2015 đều là cựu học sinh Trường THPT A Thanh Liêm.
Chúng tôi về Hà nội, lòng vẫn lưu luyến với “nhà trường văn hóa – nhà giáo mẫu mực – học sinh thanh lịch” – Trường THPT A Thanh Liêm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()