Ngôi trường nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học - kỹ thuật
(LSO) – Dù không có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu, nhưng với niềm đam mê, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Minh Phát, xã Minh Phát, huyện Lộc Bình đã có nhiều sáng chế độc đáo, hữu ích. Đây là ngôi trường đi đầu của huyện Lộc Bình trong việc triển khai sáng tạo khoa học – kỹ thuật và là trường tiêu biểu 5 năm liền có học sinh đạt giải các cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh.
Bà Trần Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Minh Phát cho biết: Để khuyến khích học sinh không ngừng sáng tạo, hằng năm, nhà trường phát động học sinh tham gia đóng góp ý tưởng và thuyết trình bảo vệ ý tưởng (mỗi lớp học đăng ký từ 5 ý tưởng trở lên). Đồng thời, nhà trường thành lập hội đồng chấm duyệt ý tưởng. Mỗi năm học, hội đồng chấm duyệt và chọn từ 1 đến 2 ý tưởng để thực hiện.
Cô giáo Nguyễn Thị Thoa cùng nhóm học sinh điều chế thuốc chữa bọ mạt cho gà tại Trường PTDTBT THCS xã Minh Phát, huyện Lộc Bình
Theo đó, các ý tưởng sáng tạo được chấm duyệt luôn được xem xét, thảo luận kỹ với các tiêu chí như: kinh phí thực hiện phải thấp; phù hợp, sát thực nhất với đời sống và dễ hiện thực hóa. Tiếp đó, hội đồng sẽ phân công giáo viên hướng dẫn học sinh hoặc nhóm học sinh để cùng thực hiện.
Từ năm học 2014 đến nay, thầy và trò nhà trường đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích như: sản xuất phân bón hữu cơ từ thân cây cỏ; hương muỗi thảo dược; điều chế thuốc trừ sâu từ lá xoan; thuốc trị kí sinh trùng trên gia súc; máy cạo nhựa thông; thuốc chống mọt cho hạt ngũ cốc; máy làm cỏ và xới đất… Những sáng kiến trên đều xuất phát từ thực tiễn lao động, sản xuất của người dân trên địa bàn.
Đơn cử như sản phẩm thuốc chữa bọ mạt cho gà do học sinh Lộc Thị Mai, lớp 9 và giáo viên Nguyễn Thị Thoa, giáo viên sinh – địa hướng dẫn thực hiện đã đạt giải 3 cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2018 – 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Từ những nguyên liệu thông dụng sẵn có trong cuộc sống thường ngày như: lá trầu không và lá thông để điều chế thành hai dạng: dạng bột để bôi và dạng dung dịch để phun trực tiếp vào chuồng trại.
Em Lộc Thị Mai, học sinh của trường cho biết: Hầu hết người dân trong xã đều chăn nuôi gà để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, nhưng gà thường bị con mạt hút, chích máu, ảnh hưởng đến sự phát triển. Xuất phát từ kinh nghiệm dân gian truyền lại nên em đã có ý tưởng điều chế thuốc từ các loại lá thông dụng, dễ tìm. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, em đã điều chế thành công.
Từ năm 2014 đến nay, thầy và trò nhà trường có trên 100 ý tưởng sáng tạo, trong đó có 10 ý tưởng được hiện thực hóa thành 10 sản phẩm sáng tạo khoa học – kỹ thuật dự các cuộc thi và đạt giải. Sau mỗi cuộc thi, thầy và trò nhà trường tiếp tục tìm cách khắc phục hạn chế để sản phẩm khoa học – kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, hiệu quả nhất.
Bà Trần Thị Hồng Thắm cho biết thêm: Quan trọng nhất chúng ta cần khơi dậy niềm đam mê của các em trong việc nghiên cứu, sáng tạo khoa học – kỹ thuật, sử dụng kiến thức đã học khi ngồi trên ghế nhà trường để sáng tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều thiết bị hữu ích và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao để giúp lao động sản xuất hiệu quả, năng suất hơn.
Ý kiến ()