Chủ nhật, 24/11/2024 12:48 [(GMT +7)]
Ngôi trường bên sườn núi Mẫu
Thứ 6, 14/10/2011 | 08:35:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Mẫu Sơn, Lộc Bình đứng chon von giữa sườn dốc đứng, ngoài sân, 10 học sinh lớp 6 với những vóc dáng loắt choắt vẫn giơ đều tay trong giờ thể dục. Thầy giáo Nông Văn Phú dẫn chúng tôi lên thăm các lớp học tầng 2. Vào thăm lớp 8, 1 cô và 1 trò đang cặm cụi làm việc… Cô Hoàng Thị Ân, giáo viên toán- lý cho chúng tôi biết, sáng sớm lên trường thấy 1 học sinh của mình từ Khuổi Lầy đang leo dốc, cô bèn dừng xe và đón em lên cùng để kịp giờ học, còn 1 em ở xã Công Sơn không biết lý do gì mà vắng mặt.
Được chuyển đổi loại hình từ trường THCS sang trường Phổ thông dân tộc ( PTDT) bán trú, nhà trường có 63 học sinh, được chia đều thành 2 nơi: trường chính có 4 lớp ở bên này Núi Mẫu, còn 4 lớp ở phân trường ở bên kia núi- nơi trung tâm xã. Học sinh ít, nhưng do địa hình lại quá hiểm trở, lại phân chia thành 2 nơi, nên vắng lại càng vắng. Mẫu Sơn là một xã rất rộng và vô cùng phức tạp về địa hình, nên điều kiện học tập của các cháu cấp THCS rất khó khăn. Cháu Dương A Múi 14 tuổi nói với chúng tôi, nhà ở xã Công Sơn (Cao Lộc) sang đây học, cháu không biết là cách xa trường bao nhiêu cây số, chỉ biết rằng leo được hết 9 con dốc, 6 cái khe lên trường cũng đã mất gần 2 tiếng đồng hồ. Nhìn cháu Triệu Thị Cói ngồi viết nhỏ như đứa trẻ lên 6, mặc dù cháu đã 12 tuổi. Cháu cho biết, nhà có 4 chị em, bố đi miền Nam làm ăn, ở nhà chỉ có mẹ với mấy chị em lít nhít, song được chính quyền động viên, được Nhà nước hỗ trợ, nên dù có bận đến mấy, mẹ cháu cũng cho cháu theo học. Nhà dưới thôn Khuổi Cấp, khi trời trong đứng nhìn thấy ngôi trường nhỏ như cái tổ chim. Hơn 2 giờ đi bộ, đến trường chưa kịp thở đã nghe tiếng trống giục.
Học sinh lớp 6 Trường PTDT Bán trú Mẫu Sơn trong giờ học
Khi nghe tin trường mình được chuyển đổi tên gọi và sẽ có chỗ cho học sinh ăn ở, sinh hoạt theo hình thức bán trú, được Nhà nước hỗ trợ, các cháu mừng lắm và thường mơ tới một ngày được ăn ở, sinh hoạt tập thể, đỡ phải đi lại xa xôi…
Làm việc với lãnh đạo phòng GD huyện Lộc Bình, chúng tôi được biết, vào đầu năm học mới 2011-2012, Lộc Bình thành lập 4 trường PTDT bán trú trong đó có 3 trường THCS tại xã Mẫu Sơn, Ái Quốc, Lợi Bác. Về cơ sở vật chất, chúng tôi được biết, trường của xã Mẫu Sơn được tiếp quản cơ ngơi mà Trạm xá xã không dùng đến để làm nơi ăn ở cho học sinh, nghe vậy cũng thật mừng. Song đến ngày 10/10/2011, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, giọng đồng chí trưởng phòng GD Lộc Bình có vẻ hơi buồn, vì “chỉ cần sửa sang trạm xá này cũng phải hết…tiền tỷ”.
Dẫn chúng tôi sang thăm Trạm xá xã- nơi sẽ trở thành khu nội trú của học sinh Trường PTDT bán trú Mẫu Sơn, chỉ lên 2 phòng “công vụ cho nhân viên y tế” với mái phibrô xi măng đã bay mất một nửa, thầy Phú nói rằng nó mới bị bay do cơn bão số 4 vừa rồi. Vào thăm khu vực trạm xá, chúng tôi thấy 100% tấm kính cửa sổ, cửa đi đã bị vỡ vụn, chỉ còn trơ lại mấy khung nhựa. Sàn tầng 1 bị bong tróc nhiều, toàn bộ hệ thống vệ sinh bị vỡ hỏng, trần sụt, ống tan. Hệ thống điện, nước phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, với 5 phòng, mỗi phòng chừng 20 m2, có đủ các công trình phụ như phòng vệ sinh, bể nước, nhà bếp…, nếu được sửa chữa kịp thời sẽ có chỗ ăn ở sinh hoạt cho khoảng 40 học sinh bán trú và 2 phòng cho giáo viên làm công tác quản sinh.
Công việc sửa chữa sẽ còn nhiều nan giải, song với điều kiện thực tế với những khó khăn chung của tỉnh cũng như của huyện, thì việc đầu tư sửa chữa trạm xá thành cơ sở giáo dục xem ra cũng là giải pháp phù hợp của ngành GD Lộc Bình. Vấn đề là các thủ tục bàn giao và kinh phí sửa chữa. Thiết nghĩ, chính quyền, ngành GD Lộc Bình cần vào cuộc một cách tích cực hơn trong việc thúc đẩy các ngành có liên quan trong việc bàn giao và “ tìm nguồn” kinh phí sửa chữa.
Mùa đông đã đến rất gần trên núi Mẫu, làm sao cho cái chữ không bị băng giá bào mòn, mà luôn ở lại với các cháu trường phổ thông dân tộc bán trú bên sườn non. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của tỉnh, huyện Lộc Bình và ngành GD.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()