Ngời sáng tinh thần tuổi trẻ bất khuất
Tự hào về chiến thắng hào hùng của dân tộc, trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2023), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” nhằm nhắc nhớ tinh thần cách mạng, sự hy sinh anh dũng của tuổi trẻ nước nhà trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tuần đầu tiên mở cửa, triển lãm đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.
Bước vào khu trưng bày, nổi bật trước mắt chúng tôi là tấm banner lớn, in 4 câu thơ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình”, đó là đoạn trích bài thơ “Thư Trung thu” của Bác Hồ gửi thiếu nhi nhân dịp Trung thu năm 1952. Bài thơ cho thấy tinh thần yêu nước của lớp lớp thanh, thiếu niên cả nước trong phong trào đấu tranh cách mạng. Dưới làn đạn của quân thù, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tại nơi tù ngục được ví như “địa ngục trần gian”, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ vẫn sáng ngời, mặc cho gông cùm, xiềng xích họ vẫn đứng lên bất khuất.
Tái hiện hoạt cảnh anh Trần Văn Thụ chơi violin bài “Tiến quân ca” tại Nhà tù Hỏa Lò. |
Những năm tháng sống trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp, học sinh, sinh viên Hà Nội vẫn chung sức, chung lòng, đấu tranh không mệt mỏi. Trong hồi ký “Đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt” của Hoàng Văn Quyến (Trần Vân) được trưng bày, ghi lại: “Chúng tôi đóng vai 5 đứa trẻ nghèo lạc bố mẹ khi nổ ra chiến tranh. Khoảng 5 giờ chiều ngày 19-2-1947, tổ lên đường. Qua thị trấn Văn Điển, đi tiếp trong đêm tối theo hướng Bắc, qua cánh đồng, chúng tôi đến một bãi lầy hoang vu. Tôi vô ý đánh rơi la bàn nên rất lo. Nhưng anh em bàn nhau cứ tiến về phía trước. Khi vào được làng Lạc Trung, thoát nguy hiểm rồi, chúng tôi rất mừng… Đêm 20 rạng sáng 21-2-1947, chúng tôi ra Huỳnh Cung báo cáo với cấp trên kết quả: Con đường giải phóng Thủ đô đã được mở sau 2 ngày Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Liên khu I”.
Trưng bày giới thiệu nhiều bức ảnh quý, đa màu sắc, kể nhiều câu chuyện phong phú như học sinh, sinh viên rước ảnh anh Trần Văn Ơn, người bị kẻ địch sát hại trong cuộc biểu tình. Bức ảnh kể chuyện anh Trần Văn Thụ, học sinh trường Chu Văn An, chơi đàn trong Nhà tù Hỏa Lò. Khi đó, giám thị dặn Thụ chỉ được đàn một bài. Trong tranh tối, tranh sáng, Thụ thấy anh tử tù bị cùm ở góc xà lim đề nghị đàn cho nghe bài “Tiến quân ca”. Thụ không chần chừ, đưa đàn lên vai… Thụ đàn đến hai lần bài “Tiến quân ca”.
Cụ Đỗ Quang Trung, nguyên đội viên Đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt đứng trước bức tư liệu trưng bày về một thời hào hùng, bất khuất, bồi hồi chia sẻ: “Tôi đã gần 90 tuổi, hôm nay lại được nhìn thấy hình ảnh những gương mặt thân thuộc, tôi rất cảm động. Tháng 11-1947, tôi bị địch bắt giam vào Nhà tù Hỏa Lò. Tại nhà lao, các thiếu niên phải chịu nhiều cực hình khắc nghiệt như: Nhốt ở hầm đá để phơi sương, phơi nắng, nhốt vào xà lim biệt giam, đêm đến, địch lại giội nước lạnh vào người… Vượt lên đòn thù tàn khốc, chúng tôi vẫn đấu tranh kiên cường, không sợ chết. Khi có cơ hội, chúng tôi tổ chức các lớp học văn hóa, phổ biến chính sách của Đảng, tìm cách vượt ngục ra ngoài, tiếp tục hoạt động cách mạng”.
Điểm nhấn đáng chú ý là trong ngày khai mạc, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức hai hoạt cảnh: Biểu tình đòi trả lại tự do cho các học sinh, sinh viên bị bắt; anh Trần Văn Thụ chơi violin trong Nhà tù Hỏa Lò. Sáng kiến này giúp khách tham quan được sống lại những ngày cách mạng sôi sục, hào hùng và nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay giữ lửa truyền thống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ngoi-sang-tinh-than-tuoi-tre-bat-khuat-736915
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()