Ngôi nhà có năm người cha
Hơn năm trước, một sự kiện đã làm người dân thôn Cựp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xôn xao. Ðội sản xuất số 3, Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 đón ba em nhỏ mồ côi, sống lủi thủi, bơ vơ giữa rừng sâu, về nuôi nấng. Giữa núi rừng biên giới, một gia đình mới "năm người cha và ba đứa con" sống tình cảm bên nhau.
Dừng chân trước cửa ngôi nhà ba gian kiểu mới, còn nguyên mùi sơn, dưới ánh điện lưới, thấy trong nhà có một người lính đang dạy học cho ba cháu nhỏ. Người lính ấy, được các cháu gọi là Cha Lớn.
Anh là Trung tá Ngô Sỹ Lý, Ðội trưởng đội sản xuất 3, Trung đoàn 52, người nhiều tuổi nhất đội, có thâm niên gần 10 năm trên địa bàn năm xã trong Khu kinh tế quốc phòng Khe Sanhdo Ðoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đảm nhận thực hiện các dự án. Các cháu nhỏ là: Hồ Thị Huệ, Hồ Hưng và Hồ Dưng. Anh Lý bận rộn hướng dẫn bé Dưng tập viết, rồi lại kiểm tra bài tập về nhà của Hưng. Kiểm tra xong, đồng hồ chỉ 21 giờ 30 phút, anh Tư cho phép các con đi ngủ, cẩn thận kiểm tra từng cái màn, xem thằng Dưng, đứa nhỏ nhất đã đánh răng chưa…
Anh Lý cho biết: Mặc dù cuộc sống từng bước đi vào ổn định nhưng việc học tập của các cháu ngày càng đòi hỏi sự kèm cặp tỉ mỉ. Ðội cắt lịch theo tháng, chia nhau kèm các cháu học. Tất cả đội coi ba cháu như con. Cuộc sống của các cháu giờ đã vô nền nếp. Cô bé 16 tuổi Hồ Thị Huệ kể: “Trước đây chúng cháu khổ lắm, ông bà, bố mẹ đều chết. Dân bản bảo do bị Ma Lài làm, nên không cho vào bản. Ngày ngày chị em cháu sống ngoài rừng, may nhờ các cha Ðội 3 mà có cuộc sống như thế này”. Còn cậu bé út Hồ Dưng kể: “Thấy các chú bộ đội đến đưa về cho ăn, cho mặc, xây nhà mới cho ở, được đi học trở lại cháu vui lắm…”.
“Hơn năm trước, tại bản Cựp, xã Hướng Lập, cán bộ, chiến sĩ Ðội sản xuất số 3 đi làm công tác dân vận cơ sở gặp ba cháu nhỏ co ro ôm nhau trong ngôi nhà tranh vách nứa ướt sũng, đói rét…” – Ðại úy Trương Thành Chung, Ðội phó Ðội sản xuất 3 kể tiếp: “Các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, người thân, chú bác mất hết, không ai nuôi dưỡng, gầy gò, xanh xao, thương lắm. Anh em tổ chức che chắn lại ngôi nhà cho các cháu khỏi ướt. Sau đó chúng tôi báo cáo cấp trên và khi được cho phép thì đưa các cháu về nuôi dưỡng tại đơn vị”.
Việc đầu tiên của đơn vị là phải xua tan dư luận trong dân bản là nhà các cháu bị ma làm. Ðội đưa các cháu vào khám tại Bệnh xá của Ðoàn, đồng thời thông báo kết quả trên hệ thống loa truyền thanh xã và cử ngay đội tuyên truyền lưu động đến thôn Cựp giải thích việc ông bà, cha mẹ của ba cháu chết là do mắc bệnh gan… Ðội trực tiếp gặp nhà trường xin cho các cháu trở lại học tập. Các cháu cùng ăn, ở trong Ðội, như người thân trong gia đình. Tuy đã có nhà ở riêng nhưng các cháu vẫn sinh hoạt, ăn uống và cùng tăng gia sản xuất như những thành viên trong một gia đình.
Ðại tá Ðỗ Xuân Hiệp, Phó Chính ủy Ðoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 cho biết: “Sau khi đội 3 và Trung đoàn 52 đề xuất, chúng tôi xin ý kiến Thường vụ Ðảng ủy Ðoàn và đồng ý phương án đưa các cháu về nuôi dưỡng. Chúng tôi vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp xây dựng quỹ làm nhà cho các cháu mỗi người một ngày lương. Ngoài ra ủng hộ tùy điều kiện từ các đơn vị khác. Ngôi nhà khá khang trang từ công sức của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, cán bộ, công nhân viên của đoàn cùng số tiền ủng hộ của mọi người được khánh thành, đưa vào sử dụng gần một năm nay. Hằng tháng tiền ăn, uống, sinh hoạt của các cháu đều do cả đơn vị chung tay đóng góp…”.
Khi được hỏi lớn lên làm gì, Hồ Thị Huệ chia sẻ: Cháu sẽ cố gắng học giỏi để trở thành cô giáo. Hồ Hưng lại muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, để mọi người không phải chết như bố mẹ cháu. Còn Hồ Dưng hồn nhiên bảo: Cháu muốn trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ như cha Lý, cha Chung, cha Tư ở đội 3…
“Ðội 3 không quản khó khăn để nuôi các cháu ăn học đến nơi, đến chốn, nhưng cũng tha thiết đề nghị nhận được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương cũng như sự giúp đỡ của mọi người cả về vật chất cũng như tạo điều kiện về học hành, cơ hội việc làm cho các cháu…” – Ðó là những lo lắng, suy tư của Trung tá Ngô Sỹ Lý.
Ông Hồ Ðức Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho hay: “Bà con rất phấn khởi, sung sướng khi các cháu được đưa về nuôi tại Ðội sản xuất 3. Ðó là việc làm đẹp, có ý nghĩa của Bộ đội Cụ Hồ. Nếu không có các anh, giờ này ba cháu không biết ra sao nữa…”. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()