Thứ 2, 25/11/2024 18:38 [(GMT +7)]
Ngôi nhà an toàn: Phòng tránh tai nạn cho trẻ
Thứ 4, 24/08/2011 | 08:58:00 [(GMT +7)] A A
Giai đoạn 2011-2015, Lạng Sơn phấn đấu 100% xã, thị trấn cam kết thực hiện cộng đồng an toàn; 100% các huyện, thành phố triển khai mô hình gia đình an toàn; 100% trưởng thôn, khối phố được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT trẻ em. Ông Vi Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH khẳng định: Ngành LĐTB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống TNTT trẻ em, trong đó tiếp tục chú trọng các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống TNTT, thực hiện hiệu quả các mô hình điểm “ngôi nhà an toàn” để nhân rộng.
LSO-Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), có tới gần nửa số vụ tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em trên địa bàn Lạng Sơn hàng năm là xảy ra ở nhà. Để giảm thiểu TNTT trẻ em, Lạng Sơn đã và đang nỗ lực triển khai xây dựng “ngôi nhà an toàn” nhằm giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhận biết, loại bỏ các mối hiểm hoạ trong và xung quanh nhà có thể gây tai nạn cho trẻ.
Hướng dẫn trẻ tự đội MBH đúng cách để phòng tránh TNGT |
TNTT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở trẻ em tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Không chỉ đe doạ đến tính mạng của trẻ, TNTT trẻ em còn gây tổn hại về kinh tế cho gia đình, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Riêng tại Lạng Sơn, trong 2 năm 2009 và 2010, có 664 trẻ em bị TNTT, trong đó 24 em tử vong.
Đáng chú ý, gần 40% số này (259 trường hợp) bị TNTT ngay tại gia đình – nơi mà nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ coi là an toàn nhất đối với trẻ em. Phổ biến nhất là các tai nạn: ngã, bỏng, súc vật cắn, đuối nước… . Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ bị TNTT: điện giật, ngộ độc, vật sắc, nhọn cắt, đâm.
Bà Vũ Kim Dung, chuyên viên phụ trách chương trình phòng chống TNTT trẻ em, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐTB&XH Lạng Sơn cho biết: Trong những ngôi nhà chúng ta đang sống có rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Một phích nước, một ổ cắm điện … nếu người lớn sơ xảy không để mắt, quan tâm đến đều có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ như bỏng, điện giật, ngã. Do đó, để phòng tránh TNTT trẻ em ngay trong gia đình, các bậc làm cha mẹ phải biết trong ngôi nhà mình có những nguy cơ gây TNTT cho con em và loại bỏ nó đi, nói cách khác là sắp xếp ngôi nhà của mình thành “ngôi nhà an toàn” cho trẻ.
Trong nỗ lực giảm thiểu TNTT trẻ em, từ năm 2009 trở lại đây, Lạng Sơn đã chú trọng tập huấn và đẩy mạnh truyền thông về phòng chống TNTT đồng thời triển khai thực hiện thí điểm “ngôi nhà an toàn” tại 2 xã, thị trấn của huyện Hữu Lũng và 1 phường của TP Lạng Sơn. Riêng năm 2010, đã tổ chức 1 lớp tập huấn về phòng chống TNTT cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em 11/11 huyện, thành phố; tổ chức 213 điểm truyền thông trực tiếp, tuyên truyền 33 tin, bài trên báo chí; nhân bản hơn 2.000 cuốn sách mỏng, cung cấp các loại áp phích, băng đĩa tuyên truyền về phòng chống TNTT cho các địa phương có tỷ lệ TNTT trẻ em cao.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Sở LĐTB&XH cũng tổ chức tập huấn cho 280 cán bộ cấp huyện, xã về các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đó có phòng chống TNTT, xây dựng “ngôi nhà an toàn”; tập huấn về triển khai “ngôi nhà an toàn” phòng chống TNTT trẻ em cho 40 cán bộ các xã, thị trấn thực hiện mô hình điểm. Đặc biệt, Sở phối hợp với UBND huyện Hữu Lũng tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ngôi nhà an toàn phòng chống TNTT trẻ em từ tháng 8-10/2011 với sự tham gia của 100% gia đình có trẻ em thuộc thị trấn Hữu Lũng và xã Hoà Thắng.
Ông Đặng Văn Sáng, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết: Song song với cuộc thi này, chúng tôi sẽ triển khai đánh giá “ngôi nhà an toàn” tại 2 mô hình điểm này nhằm giúp cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ nắm vững 33 tiêu chí “ngôi nhà an toàn” theo bộ tiêu chí Bộ LĐTB&XH vừa ban hành để nhận biết và loại bỏ các nguy cơ trong và quanh nhà có thể gây tai nạn cho trẻ đồng thời biết cách xử lý các trường hợp trẻ bị TNTT.
Năm 2010, số trẻ em bị TNTT trên địa bàn Lạng Sơn đã giảm đáng kể so với năm 2009 với 314 trường hợp bị tai nạn, trong đó 11 trẻ tử vong (năm 2009 là 350 trường hợp bị tai nạn, 15 trẻ tử vong); 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh có 43 trường hợp trẻ em bị TNTT, trong đó 2 trẻ tử vong. Riêng tại huyện Hữu Lũng-địa bàn triển khai thí điểm “ngôi nhà an toàn”, số trẻ em bị TNTT giảm gần một nửa: từ 92 (2009) xuống còn 48 trường hợp (2010). Qua đánh giá ngôi nhà an toàn cho trẻ em tại các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm trong năm 2009-2010, có 75,5% số gia đình có trẻ em đạt tiêu chuẩn “ngôi nhà an toàn”. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của gia đình và cộng đồng về công tác phòng chống TNTT trẻ em nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển.
Giai đoạn 2011-2015, Lạng Sơn phấn đấu 100% xã, thị trấn cam kết thực hiện cộng đồng an toàn; 100% các huyện, thành phố triển khai mô hình gia đình an toàn; 100% trưởng thôn, khối phố được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT trẻ em. Ông Vi Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH khẳng định: Ngành LĐTB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống TNTT trẻ em, trong đó tiếp tục chú trọng các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống TNTT, thực hiện hiệu quả các mô hình điểm “ngôi nhà an toàn” để nhân rộng.
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()