Ngồi ghế nhỏ bàn chuyện quản trị
“Ông Dương, tôi muốn vào thị trấn tìm việc làm. Ông có cách nào không?”. “Này ông Dương, không có người xử lý rác thải trước ngõ nhà tôi thì phải làm sao?”. Những câu hỏi dồn dập của người dân thị trấn Cao Nam, huyện Thành Khẩu, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) không làm ông Dương Thường Phát bối rối. Ông pha ấm trà nóng đặt lên chiếc bàn vuông, mời mọi người ngồi xuống ghế uống trà rồi mới bàn công việc.
Hình ảnh ông Dương Thường Phát đối thoại với người dân được bắt gặp khá thường xuyên ở Phòng Công tác quần chúng thị trấn Cao Nam. Ông Dương Thường Phát, một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, thường được người dân ở đây nhờ tư vấn về quản trị cơ sở, từ vệ sinh môi trường, cãi lộn trong gia đình đến tranh chấp tài sản… Sở dĩ ông Dương được mọi người yêu quý bởi lẽ ông luôn ân cần, lắng nghe bà con giãi bày, đồng thời đưa ra lời khuyên bổ ích, giải pháp hợp lý hợp tình, làm hài lòng bà con cũng như các bên khiếu kiện.
Ông Dương Thường Phát (thứ hai từ phải sang) đối thoại với người dân tại Phòng Công tác quần chúng thị trấn Cao Nam. Ảnh: news.cn |
“Người dân ở khu vực vùng núi đi lại khó khăn, do đó, họ có thể đến Phòng Công tác quần chúng, nói chuyện với người hòa giải, từ đó giải quyết những thắc mắc. Nếu tranh chấp chưa được giải quyết, các bên liên quan được mời ngồi ghế uống trà và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia pháp lý”, ông Dịch Quốc Cương, Phó bí thư Thường trực Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Thành Khẩu, cho biết.
Mô hình trên được lãnh đạo huyện Thành Khẩu gọi là “Ngồi ghế nhỏ bàn chuyện quản trị” hiện được áp dụng hiệu quả tại thị trấn Cao Nam. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình tương tự cũng đang được áp dụng tại huyện Thành Khẩu. Ví dụ như mô hình “Quần chúng hỏi, cán bộ trả lời” ở xã Duyên Hà. Ông Dịch Vĩ, Bí thư xã Duyên Hà cho biết, xã có cổng thông tin dịch vụ trực tuyến tiếp nhận phản ánh của người dân. Người dân khi có khiếu kiện có thể đặt lịch hẹn với lãnh đạo xã trên cổng thông tin này. Lãnh đạo xã sau khi tiếp nhận đơn sẽ phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực giải đáp thắc mắc của bà con.
Dẫn chứng sự hiệu quả của mô hình, Bí thư Dịch Vĩ cho biết, mới đây, một người dân đăng tải trên Cổng thông tin dịch vụ trực tuyến của xã Duyên Hà thông báo: “Thùng rác nằm ở ngã tư thuộc xóm 2, thôn Hồng Nham đã đầy”. Chỉ trong hai phút, nền tảng trực tuyến đã phản hồi cách thức xử lý, đồng thời thông báo nhân viên vệ sinh vừa được cử đến dọn dẹp tại chỗ. Một lúc sau, khu vực có rác thải nêu trên đã được dọn sạch sẽ và chụp ảnh đưa lên cổng thông tin. “Để bảo đảm mọi vụ việc được tiếp nhận, xử lý nhanh, chúng tôi thường xuyên xác minh và giám sát việc xử lý thông tin phản ánh của người dân, điều động lực lượng đến tiến hành xử lý ngay. Những cán bộ có liên quan nếu không hoàn thành nhiệm vụ xử lý kịp thời sẽ bị khiển trách”, Bí thư Dịch Vĩ nói.
Không chỉ ở nơi công sở, mô hình “Ngồi ghế nhỏ bàn chuyện quản trị” cũng đang được áp dụng tại gia đình của những người có uy tín trong vùng. Gia đình họ Vương ở thôn Hồng Nham, xã Duyên Hà là một ví dụ. Từ lâu, người dân trong xã coi ông Vương Sĩ Hải là người hòa giải có tâm nhất vùng. “Lời ông Vương nói thật dễ nghe”, một người dân trong thôn nhận xét.
Một trong những vụ việc mà ông Vương Sĩ Hải hòa giải thành công là vào đêm Giao thừa năm Quý Mão 2023. Ông Vương Sĩ Hải kể lại: Đêm đó, một cặp vợ chồng trong thôn cãi nhau kịch liệt do chị vợ chì chiết chồng không có việc làm, đến Tết chẳng có tiền tiêu. Anh chồng tự ái, nổi cơn nóng giận, định túm tóc vợ đánh cho một trận. Nhận được tin báo, tôi lập tức tới hiện trường, thuyết phục người chồng bớt giận, đồng thời hứa sẽ giúp anh ta tìm việc làm sau dịp Tết Nguyên đán. Bây giờ, với thu nhập ổn định, vợ chồng họ không còn cãi nhau.
Theo ông Dịch Quốc Cương, để giải quyết tốt hơn nỗi lo lắng, trăn trở của người dân, trong những năm gần đây, chính quyền huyện tập trung vào mục tiêu “quản trị hiệu quả” trong chấn hưng nông thôn, thực hiện cơ chế làm việc “quần chúng hỏi, cán bộ trả lời”, đổi mới cơ chế có quần chúng tham gia. Ông Dịch Quốc Cương giải thích: Khi quần chúng hỏi, cán bộ trước hết phải tìm chỗ “có lý”. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trong huyện đã xây dựng mô hình 3 cấp, từ huyện xuống xã/thị trấn, từ xã/thị trấn xuống thôn, xóm. Cán bộ cơ sở phải nắm rõ luật pháp, có năng lực làm việc, uy tín cao, có thể đưa ra những lời giải đáp thấu tình đạt lý, thỏa đáng cho người dân. Đối với các vụ khiếu kiện, cán bộ cần tìm hiểu cặn kẽ, xử lý vụ việc một cách toàn diện, không để người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Phó bí thư Thường trực Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Thành Khẩu nhấn mạnh, những việc khó khăn được bàn bạc trên “chiếc ghế nhỏ” và giải quyết bên ấm trà rất hiệu quả. Thống kê cho thấy, tại huyện Thành Khẩu, 90% vụ xung đột và tranh chấp được giải quyết ở cấp xã, cấp thôn, 98,2% vụ khiếu kiện được giải quyết ở cấp huyện. Hiện nay, mô hình này đã nhân rộng ở 143 cơ sở, giúp người dân không phải đi lại phức tạp mà mọi việc vẫn được giải quyết thỏa đáng.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ngoi-ghe-nho-ban-chuyen-quan-tri-743035
Ý kiến ()