LSO-Như chúng ta đã biết, tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã có một vị trí vô cùng chiến lược cả về an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, là nơi tập trung chủ yếu những hoạt động giao thương biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc bước vào Asean. Vị trí đặc biệt này của Lạng Sơn càng được khẳng định kể khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 và Lạng Sơn được xác định là cửa ngõ chính vào Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này đặt Lạng Sơn trước rất nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển, đồng thời cũng đòi hỏi lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp của Lạng Sơn cần tập trung xác định hướng phát triển và xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đồng bộ để Lạng Sơn khai thác hiệu quả tiềm năng,...
LSO-Như chúng ta đã biết, tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã có một vị trí vô cùng chiến lược cả về an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, là nơi tập trung chủ yếu những hoạt động giao thương biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc bước vào Asean.
Vị trí đặc biệt này của Lạng Sơn càng được khẳng định kể khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 và Lạng Sơn được xác định là cửa ngõ chính vào Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này đặt Lạng Sơn trước rất nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển, đồng thời cũng đòi hỏi lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp của Lạng Sơn cần tập trung xác định hướng phát triển và xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đồng bộ để Lạng Sơn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế có tính bền vững và chiến lược lâu dài, giải quyết những thách thức nảy sinh trong quá trình giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV đã đề ra, quán triệt những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế, đặc biệt là Chỉ thị số 41/CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Lạng Sơn hiện đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế để tạo ra những đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Năm 2010 đánh dấu những kết quả rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn, gắn với sự kiện kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, Năm Hữu nghị Việt – Trung, 60 năm giải phóng Lạng Sơn,… Hàng loạt các hoạt động kỷ niệm như: Lễ hội mừng xuân xứ Lạng, Hội nghị UBCLLH lần thứ 3, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Trung, Hội nghị Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường, Việt Trung, … một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đối với công tác đối ngoại, đồng thời cũng khẳng định từng bước trưởng thành của ngành Ngoại vụ Lạng Sơn, tuy còn non trẻ, song đã nỗ lực góp phần vào những kết quả tích cực trong hoạt động ngoại giao phát triển kinh tế của địa phương.
Sở Ngoại vụ Lạng Sơn, với vai trò là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác đối ngoại, quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, trong thời gian qua đã tích cực tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại góp phần thiết thực cho việc thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế với các đối tác nước ngoài, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh. Có thể nói hoạt động đối ngoại của tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tập trung trên mọi lĩnh vực của công tác ngoại giao, cả về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Công tác lãnh sự, tổ chức và quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Nhà nước, của tỉnh về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; thực hiện tôt công tác lễ tân, đón tiếp trọng thị các Đoàn khách quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ra nước ngoài và đến địa phương, phục vụ tốt mục tiêu giao lưu, hợp tác, hội nhập phát triển kinh tế, xã hội. Tính đến cuối năm 2010, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cử 746 đoàn với 4691lượt cán bộ, công chức, viên chức, đi công tác, tham quan học tập kinh nghiệm, tham dự hội thảo, hội đàm đàm phán, giao lưu văn hoá tại nhiều nước trên thế giới và đón 362 đoàn với 2708 lượt khách nước ngoài đến khảo sát, giao lưu kinh tế, văn hoá và triển khai các dự án tài trợ tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều đoàn cấp Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế và định chế tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp tốt và hiệu quả với các cơ quan liên quan về hoạt động xúc tiến vận động đầu tư, quản lý hoạt động và hỗ trợ thủ tục hành chính trong việc triển khai các dự án nhân đạo, tiếp nhận các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giúp địa phương theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai chương trình, kế hoạch đối ngoại, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, hoạt động ngoại giao quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư; quản lý tổ chức các hội nghị, hội thảo và ký kết thoả thuận quốc tế; làm tốt nhiệm vụ biên, phiên dịch phục vụ các đoànra và vào, các cuộc hội đàm theo yêu cầu. Trong giai đoạn từ 2005 – 2010, Sở Ngoại vụ, với chức năng là cơ quan Thường trực của Ban Công tác Phi chính phủ nước ngoài tỉnh đã trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạt động vận động đầu tư tài trợ và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp nhận gần 100 dự án và phi dự án từ nguồn tài trợ của hơn 50 tổ chức PCPNN với tổng giá trị cam kết tài trợ gần 120.000 tỷ VNĐ, góp phần thiết thực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh
Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh, Sở đã phát huy vai trò tham mưu tích cực, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Uỷ ban biên giới quốc gia, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền, công tác tuyên truyền, quản lý sau khi Nghị định thư phân giới cắm mốc và các Hiệp định về quản lý biên giới có hiệu lực, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Cùng với những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động đối ngoại của Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác thông tin tuyên truyền, công tác dự báo, định hướng, xây dựng chiến lược và lộ trình hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.Việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác đối với các nước trong khu vực và trên thế giới chưa tạo được bước đi vững chắc và hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại vụ thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động đối ngoại của địa phương trong những năm qua còn hạn hẹp. Vai trò của công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đôi khi còn chưa được nhận thức và đánh giá đầy đủ.
Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tập trung vào những nhiệm vụ, yêu cầu mới, Sở Ngoại vụ Lạng Sơn xác định, trong thời gian tới Ngoại vụ Lạng Sơn tiếp tục tham mưu tích cực cho lãnh đạo Đảng và các cấp chính quyền của tỉnh không ngừng đổi mới công tác ngoại giao kinh tế, trước mắt cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế biên giới giữa hai tỉnh – khu, đặc biệt là thu hút mọi nguồn lực cho việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, lấy Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Quảng Tây) làm hạt nhân phát triển, đổi mới phương thức hoạt động ngoại giao kinh tế thông qua các kênh ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm tranh thủ nhiều hơn, hiệu quả hơn sự quan tâm của các đối tác nước ngoài đưa dự án hợp tác, đầu tư vào tỉnh; mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với các thành phố, địa phương ở các nước trong khu vực và trên thế giới, tìm kiếm các đối tác mới nhằm quảng bá môi trường, chính sách đầu tư, lĩnh vực hợp tác đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn của tỉnh, mở rộng và tăng cường mối quan hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các kiều bào có nguồn gốc từ quê hương Lạng Sơn, nhằm vận động và tranh thủ các nguồn viện trợ, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt ưu tiên hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường và quy hoạch du lịch, đảm bảo phát triển bền vững. Phối hợp ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh cũng như các tiềm năng, thế mạnh của Lạng Sơn về thương mại, du lịch biên giới, kinh tế cửa khẩu trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, ngành Ngoại vụ Lạng Sơn cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, nâng tầm quản lý và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách, các quy chế phối hợp, quản lý hoạt động đối ngoại của Lạng Sơn phù hợp, đáp ứng những yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt chú trọng tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng và thực hiện Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh từ nay cho đến năm 2015 và 2020.
Quốc Khánh
Ý kiến ()