Ngoại giao thời lập quốc
Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nêu nhiệm vụ: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(1).
Có thể nói, cách tiếp cận trên là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại ở những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Lúc bấy giờ, nhân dân ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách: Nạn đói kinh hoàng hoành hành, nền kinh tế-tài chính nước nhà kiệt quệ; hơn hai chục vạn “Hoa quân nhập Việt” dưới danh nghĩa “giải giáp quân phiệt Nhật” nhũng nhiễu đủ điều; thực dân Pháp rắp tâm lập lại ách thống trị đối với nhân dân ta… Trong bối cảnh ấy, ngoại giao được đưa lên tuyến đầu trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng, tranh thủ thời gian củng cố nội lực. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân gánh thêm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, trực tiếp tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng hàng đầu. Những hoạt động của Người đã hình thành nên các đường nét chủ yếu của “trường phái ngoại giao Việt Nam” vốn tiếp tục được vận hành cho tới hiện nay và mãi mãi về sau. Ta hãy điểm lại xem “trường phái” ấy có những nét đặc trưng gì?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội danh dự trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào ngày 9 và 10-8. Ảnh: VOV.vn |
Điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành hoạt động đối ngoại thành công là phải có tầm nhìn xa trông rộng và quyết sách sáng suốt. Đảng ta và Bác Hồ đã thể hiện sáng tỏ điều này trong việc đánh giá cục diện, bày binh bố trận rất tài tình cũng như phương cách tiến hành vừa kiên quyết, vừa khôn khéo. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng nhóm họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945 để chuẩn bị tổng khởi nghĩa đã chỉ rõ:
“2. Hiện nay về chính sách ngoại giao, chúng ta cần phải nhận định cho rõ hai điều này:
a) Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng.
b) Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương.
3. Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt chính phủ của Pháp De Gaulle hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc.
Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta.
4. Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh”(2).
Theo tinh thần trên, ta đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp với hai thành quả chiến lược là Pháp phải chấp nhận nước ta là một quốc gia tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội, nền tài chính riêng và ta đuổi được 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc về nước. Để có được những thành quả quý giá đó, hiệp định cũng ghi nhận hai sự nhân nhượng mang tính sách lược của ta là tạm chấp nhận cụm từ nước “tự do” trong Liên hiệp Pháp thay vì nước “độc lập”; tạm thời chấp nhận 15.000 quân Pháp thay thế quân Tưởng với lộ trình giảm dần đi tới rút hết trong vòng 5 năm.
Những nhân nhượng mang tính sách lược trên đã gây ra những sự phân vân trong nội bộ ta nên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã phải ban hành Chỉ thị “Hòa để tiến”, trong đó khẳng định những nhân nhượng theo Hiệp định sơ bộ để “tránh tình thế bất lợi: Phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng trong nước)” và “bảo toàn thực lực… chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”(3).
Để cụ thể hóa các điều thỏa thuận trong Hiệp định sơ bộ, hai bên đã mở các cuộc đàm phán tại Đà Lạt và tại lâu đài Fontainebleau ở ngoại ô Paris. Để chỉ đạo và hỗ trợ đoàn đàm phán nước ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đồng thời nêu cao vị thế của đất nước, tranh thủ dư luận Pháp và thế giới, Bác Hồ đã chính thức ở thăm Pháp gần 4 tháng với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Đây quả thực là một sự kiện “độc nhất vô nhị” trong lịch sử ngoại giao thế giới khi một nhà cách mạng từng bị chính quyền thực dân kết án tử hình trở thành thượng khách của “mẫu quốc”, dùng máy bay và tàu thủy của chính chúng tới thăm sào huyệt của chúng! Sự kiện này một lần nữa cho thấy ý chí sắt đá, lòng dũng cảm vô song, niềm tin vững chắc của Bác vào sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc.
Do những hành động ngang ngược của thực dân Pháp, các cuộc đàm phán ở cả Đà Lạt lẫn Fontainebleau đều đổ vỡ và Bác phải trực tiếp đàm phán với Chính phủ Pháp, ký Tạm ước 14-9-1946 để cứu vãn tình hình, tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến không thể tránh khỏi.
Những hoạt động trên là những bài học kinh điển về cách tiếp cận “nguyên tắc của ta thì phải vững chắc nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(4) như Bác Hồ sau này đã nhấn mạnh.
Bên cạnh tuyến đấu tranh ngoại giao với Pháp, Bác đã thực hiện chủ trương rộng mở “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(5), trong đó “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”(6), trong đó “Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao, v.v.. mà không thù gì với nước nào”(7).
Bên cạnh quan hệ song phương, ngay lúc bấy giờ Bác đã có những nỗ lực lớn lao để tiến hành điều mà ngày nay thường được gọi là “ngoại giao đa phương” bằng cách nhiều lần gửi thư cho 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu kết nạp nước ta vào tổ chức toàn cầu này song chưa thành.
Song song với “ngoại giao chính trị”, Bác đã dành mối quan tâm lớn tới “ngoại giao kinh tế” trên cả bình diện song phương lẫn đa phương. Một điều kỳ lạ là 75 năm trước đây, vào cuối năm 1946, Bác đã gửi thư cho Liên hợp quốc, trong đó Bác khẳng định:
“Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”(8).
Do hoàn cảnh khách quan, những chủ trương nhìn xa trông rộng xuyên thế kỷ ấy của Bác chỉ có thể trở thành hiện thực ở nước ta trong thời kỳ đổi mới 40 năm sau đó!
Ngay từ những ngày ấy, các hoạt động đối ngoại của Đảng và nước ta đã được tiến hành đồng thời theo cả 3 tuyến: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Là một bộ phận khăng khít của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta luôn duy trì mối quan hệ khăng khít với Quốc tế Cộng sản và các đảng thành viên, nhất là với các Đảng Cộng sản ở Liên Xô trước đây, ở Trung Quốc và Pháp. Trong khi chưa tranh thủ được sự công nhận chính thức về mặt Nhà nước, ngoại giao nhân dân đóng vai trò rất quan trọng. Ở thăm Pháp trên 4 tháng, Bác Hồ thường sống trong nhà bạn bè Pháp và bà con người Việt, tiếp xúc với đại diện đủ các tầng lớp nhân dân Pháp và cả các nước khác. Một hoạt động khác được Bác đặc biệt quan tâm là truyền thông. Minh chứng cho điều đó là trong khoảng thời gian từ ngày 19-8-1945 tới 19-12-1946 khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác đã 17 lần tiếp xúc, trả lời phỏng vấn đại diện các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới.
Đối chiếu với những hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày nay, ta có thể cảm nhận rất rõ những tư tưởng lớn mà Đảng và Bác Hồ đã đặt nền móng từ hơn 70 năm về trước, khởi đầu cho việc không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của nước nhà. Chắc chắn rằng, những tư tưởng ấy sẽ tiếp tục đưa nước ta lên đài vinh quang, sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ từng mong đợi.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.162.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.427.
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.49.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.555.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.256.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.163.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.199.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.523.
Ý kiến ()