Ngoại giao công chúng và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ
Để triển khai một nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, cần thiết phải đẩy mạnh ngoại giao công chúng để đáp ứng hiệu quả những yêu cầu mới đặt ra.
Ngày 12/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Tổ chức nghiên cứu chính sách và trao quyền (SPSE-Ấn Độ) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “ Ngoại giao công chúng và quan hệ Việt Nam-Ấn Độ .”
Tham dự có đông đảo các nhà ngoại giao, học giả uy tín của Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Chủ tịch SPSE Mahjabin Banu, ngoại giao công chúng bộ là phận không thể thiếu trong quan hệ quốc tế, không bị gò bó bởi ngoại giao truyền thống đồng thời có thể hỗ trợ ngoại giao truyền thống.
Trong tình hình hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19, tác động đối với thương mại và ngoại giao là vô cùng lớn và phức tạp, việc sử dụng ngoại giao công chúng càng trở nên quan trọng, thúc đẩy hiểu biết liên văn hóa và hòa bình giữa các quốc gia.
Ngoại giao công chúng của Ấn Độ trong thời gian qua cũng trở nên phong phú hơn với việc nâng cấp các cam kết với các quốc gia láng giềng bao gồm cả những quốc gia ASEAN.
Đối với Việt Nam, hai nước đã thúc đẩy giao lưu đa văn hóa, học bổng giáo dục , chương trình nghiên cứu hợp tác, nâng cao năng lực, giao lưu nhân dân và nhiều khía cạnh khác.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, kết nối văn hóa gần 2.000 năm lịch sử và được các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Jawaharlal Nehru cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp và không ngừng phát triển.
Cùng với sự phát triển tích cực của quan hệ chính trị, quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng được củng cố.
Ngoại giao nhân dân là cầu nối quan trọng gắn kết hai nước, góp phần thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, tin cậy trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ đều mong muốn hội nhập tích cực, sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.
Ngày nay, Việt Nam nhận thức rõ những thay đổi cũng như xu thế lớn trên thế giới và công nhận vai trò ngày càng quan trọng của ngoại giao công chúng trong việc triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia, phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.
Đẩy mạnh giao lưu nhân dân, sử dụng các công cụ văn hóa và thông tin đối ngoại trong quan hệ quốc tế… chính là những biểu hiện sinh động của ngoại giao công chúng.
Để triển khai một nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, cần thiết phải đẩy mạnh ngoại giao công chúng để đáp ứng hiệu quả những yêu cầu mới đặt ra.
Tại hội thảo, các học giả cũng chúc mừng và đặt nhiều câu hỏi về kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đại biểu tham dự bày tỏ ấn tượng với việc Việt Nam-quốc gia có hàng nghìn km biên giới đất liền với Trung Quốc và gần 100 triệu dân nhưng đã kiểm soát tốt số ca lây nhiễm và không có bệnh nhân nào tử vong./.
Ý kiến ()