Chủ nhật, 24/11/2024 23:08 [(GMT +7)]
Ngô Thì Sĩ với đền Tam Giáo - động Nhị Thanh
Thứ 5, 16/02/2012 | 08:59:00 [(GMT +7)] A A
Cùng với các động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc, tượng nàng Tô Thị, đền Tam giáo làm nên một quần thể kiến trúc liên hoàn trải dài theo dãy núi vòng cung phía Tây Bắc của thành phố Lạng Sơn và được mệnh danh là Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng. Lễ hội khu di tích Nhị Thanh – đền Tam giáo diễn ra vào ngày 15 tháng giêng hằng năm, với nhiều nghi lễ tập tục truyền thống đặc sắc của nhân dân xứ Lạng. Đến đây, du khách sẽ thấy mình như được tĩnh lòng hơn để nhớ về một giai đoạn lịch sử, thủa khai sơn của cha ông ta và sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu xứ Lạng.
LSO-Di tích đền Tam giáo – động Nhị Thanh (thành phố Lạng Sơn) gắn với danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) khi ông được cử làm quan Đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777 đến 1780. Việc sửa sang động Nhị Thanh được tiến hành vào năm 1779, sau đó Ngô Thì Sĩ lập ra đền Tam giáo nằm ở thế đất cao bên phải cửa động. Đền thờ 3 vị thánh của 3 đạo là Khổng Tử (đạo Nho), phật tổ Thích Ca (đạo Phật) và tổ đạo Lý Lão quân (đạo Giáo).
Nhân dân địa phương đi lễ hội ngày 15 tháng giêng
Động Nhị Thanh – đền Tam giáo được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa từ năm 1962. Trong đền, chỗ vách đá cao nhất ở chính giữa khắc 4 chữ lớn “Bất khả hình dung” nghĩa là, không hình dung được. Bên cạnh khắc “Ngưỡng chi di cao vô đắc nhi du” nghĩa là, ngẩng trông càng cao không thể vượt qua, thờ bóng vị tiên thánh Khổng Phu Tử. Phía dưới chạm 4 vật đàn, sách, cung, kiếm tượng trưng cho 4 vị đứng đầu. Bên trái đền, khắc câu “Đại thánh nhân xuất yên” nghĩa là, bậc đại thánh ra đời, thờ phật tổ Thích Ca, lại tạc tượng người cưỡi ngựa trắng theo sau, có một tiểu đồng cầm gậy tầm xích và một người cầm bộ kim cương kinh. Bên phải, khắc câu “Kỳ cho long hồ” (nghĩa là, có lẽ như rồng chăng?) thờ vị tổ đạo gia Lý Lão quân, tạc tượng người cưỡi trâu xanh, đi theo có 2 tiểu đồng, một cầm 2 cái lọng, 1 cầm bộ đạo đức kinh. Bên phải đền đắp tượng Long Thiên hộ pháp, phía sâu trong động đắp tượng Tam Thế Tôn, phía trước đắp tượng Di Đà, bên trái đắp tượng Thiên Phủ, bên phải tượng Địa Phủ, bên ngoài đắp tượng Long Thần. Bên trái đền phía trên khắc chữ “Tam Giáo từ” (đền Tam giáo) theo thế tự nhiên của vách đá. Tất cả các câu, chữ trên đều là bút tích của Ngô Thì Sĩ. Theo ông, đây là ngôi đền thờ 3 vị thánh lớn nhất nên phải kính trọng. Việc thờ cúng ở đền Tam giáo cũng có những quy định khá rõ, ngoài việc thắp hương các tuần tiết, ngày rằm, mồng một, đền Tam giáo có 7 lễ lớn: Thanh Minh (tháng 3), Đoan Ngọ (tháng 5), Trung Thu (tháng 8), Trùng Dương (tháng 9), Trùng Thập (tháng 10) và 2 lễ đinh (xuân, thu). Tất cả các bài khấn vái ở đền Tam giáo xưa đều do Ngô Thì Sĩ biên soạn dạy quan, dân cúng bái.
Động Nhị Thanh – đền Tam giáo luôn tấp nập du khách trong và ngoài tỉnh
Cùng với các động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc, tượng nàng Tô Thị, đền Tam giáo làm nên một quần thể kiến trúc liên hoàn trải dài theo dãy núi vòng cung phía Tây Bắc của thành phố Lạng Sơn và được mệnh danh là Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng. Lễ hội khu di tích Nhị Thanh – đền Tam giáo diễn ra vào ngày 15 tháng giêng hằng năm, với nhiều nghi lễ tập tục truyền thống đặc sắc của nhân dân xứ Lạng. Đến đây, du khách sẽ thấy mình như được tĩnh lòng hơn để nhớ về một giai đoạn lịch sử, thủa khai sơn của cha ông ta và sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu xứ Lạng.
Phạm Tuấn
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()