Ngô lên ngôi, vẫn nhiều trăn trở
Với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng và phong tục tập quán của người dân địa phương, từ nhiều năm nay tại các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc (TDMNPB) cây ngô phát triển khá mạnh. Nhiều nơi ngô là cây màu lương thực quan trọng thứ hai sau lúa nước, thậm chí còn được coi là lương thực chính của một số dân tộc vùng cao như Mông, Dao, Nùng,... Vì vậy, cần nâng cao năng suất, chất lượng cho cây ngô.
Với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng và phong tục tập quán của người dân địa phương, từ nhiều năm nay tại các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc (TDMNPB) cây ngô phát triển khá mạnh. Nhiều nơi ngô là cây màu lương thực quan trọng thứ hai sau lúa nước, thậm chí còn được coi là lương thực chính của một số dân tộc vùng cao như Mông, Dao, Nùng,… Vì vậy, cần nâng cao năng suất, chất lượng cho cây ngô.
Ngô đông xuống đồng
Theo chân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên ra quân trồng cây vụ đông năm 2013 trong những ngày cuối tháng 9, chúng tôi cùng nông dân thị xã Nghĩa Lộ xuống đồng trồng các bầu ngô non trên đất hai vụ lúa, khởi động cho việc trồng 5.000 ha ngô đông. Toàn tỉnh phấn đấu trong vụ đông này trên cánh đồng Mường Lò trồng khoảng 1.700 ha, Văn Yên 1.300 ha, Yên Bình 650 ha… ngô đông.
Với hơn 80% dân cư sống ở vùng nông thôn, diện tích đất canh tác nông nghiệp chỉ chiếm 15,6% tổng diện tích tự nhiên. Yên Bái đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa nương một vụ năng suất thấp sang trồng ngô hai vụ, tập trung chủ yếu ở hai huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần làm tăng độ bền vững trên đất dốc, giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi do mưa lũ.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ kỹ sư Nguyễn Thị Kim Hoa phấn khởi cho biết: Ðến nay, thị xã đã thu hoạch xong 700 ha lúa mùa sớm, diện tích ngô đông xuống đồng đạt hơn 250 ha, còn khoảng 50 ha nữa sẽ trồng xong trong vài ngày tới. Chúng tôi tập trung các giống có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày như: NK 4300, C919, B06, AG09, bi-ô-sít 9698, ngô nếp MX2, MX6… có năng suất đạt 29 tạ/ha. Chị Hoa nhớ lại, cách đây mười năm, người dân trong vùng không quen làm vụ đông, phải vận động thuyết phục, cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” cùng lội bùn với nông dân, có chính sách thưởng, phạt rõ ràng đối với từng xã, từng thôn bản về triển khai vụ đông trên đất hai vụ lúa. Nay thì đã khác, cảnh “sáng lúa, chiều ngô” trên nhiều cánh đồng đã đi vào cuộc sống của từng hộ dân. Anh Hoàng Văn Bay, dân tộc Thái, trú tại bản Năm Hăn 3, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn cho biết: “Ðược Nhà nước hỗ trợ 50% giống ngô và hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón lót phân chuồng đã ủ hoai, ngô được gieo bầu trước từ 5 đến 7 ngày nên đưa ra ruộng là bén rễ ngay”. Ngoài cây ngô, ngành nông nghiệp Yên Bái còn chỉ đạo trồng thêm 1.000 ha khoai lang giống Hoàng Long, và khoai lang Nhật.
Diện tích tăng chất lượng chưa tăng
Theo Viện Nghiên cứu Ngô, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây việc trồng ngô ở các tỉnh TDMNPB phát triển mạnh. Hiện, diện tích ngô ở vùng này đạt gần 470 nghìn ha, chiếm 42% diện tích ngô cả nước, cho sản lượng hơn 1,7 triệu tấn/năm, chiếm gần 36% sản lượng cả nước. Trong đó, Sơn La là địa phương sản xuất ngô lớn nhất với diện tích hơn 134 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 524 nghìn tấn. Nhiều địa phương, ngô được trồng cả ba vụ chính là vụ xuân, xuân-hè và vụ hè. Cây ngô không chỉ trồng trên đất lúa, mà còn phát triển mạnh trên các loại đất bãi, và cả ở trên sườn núi, đất dốc hẻm đá vôi…
Mặc dù nước ta có diện tích trồng ngô đứng thứ 60 trong gần 170 nước trồng ngô và đứng thứ tư ở Ðông-Nam Á, nhưng năng suất vẫn còn thấp, trong khi giá thành sản xuất lại cao. Ngô trong nước sản xuất ra chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu từ 1 đến 1,6 triệu tấn ngô hạt/năm. Ðặc biệt, sản lượng và năng suất ngô ở các tỉnh TDMNPB, tuy đã tăng liên tục nhờ sử dụng giống mới và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, song năng suất trung bình mới đạt hơn 36,5tạ/ha, bằng 85% so với trung bình cả nước (gần 43 tạ/ha). Bên cạnh đó, nhiều địa phương lại chưa khai thác hết diện tích đất có thể trồng ngô. Nhiều diện tích đất ruộng còn bỏ hoang hóa sau vụ lúa mùa; hoặc sản xuất ngô ở đất quá dốc gây nên tình trạng xói mòn đất nghiêm trọng. Việc canh tác cây ngô, đặc biệt mật độ, khoảng cách trồng, sử dụng phân bón chưa đúng như khuyến cáo của quy trình sản xuất… Công nghệ sau thu hoạch chưa được chú ý đúng mức nên tổn thất sau thu hoạch còn nhiều. Ðã thế sản phẩm chế biến từ ngô lại đơn điệu. Trong khi đó, tình trạng hạn hán, lũ lụt, rét, nóng xuất hiện nhiều hơn, cộng với dịch bệnh trên cây ngô làm giảm năng suất, chất lượng ngô cho hạt.
Khẳng định vị thế
Ðể nâng cao năng suất, chất lượng ngô, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp của các tỉnh TDMNPB, những năm qua, Viện Khoa học – kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống ngô thâm canh cho năng suất cao, nhất là các giống ngô có tính chống chịu hạn, úng, chua phèn, kháng sâu đục thân,… như nhóm giống ngắn ngày chịu hạn phù hợp điều kiện đất đồi núi: LVN14, LVN145, LVN45, VN112, LVN14, LVN885,… Nhóm ngắn ngày chịu rét thích hợp trong vụ đông và vụ xuân: LVN885, LVN184,…Nhóm ngô thực phẩm: ngô nếp, ngô ngọt: WAX 48, WAX50, MX6, MX4, Nếp Nù, VN2, VN6, MX2, MX10, King 80, Bạch Ngọc; ngô rau: LVN23, LS5, LS6,…
Kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch ngô cũng không ngừng được đổi mới cho phù hợp với điều kiện đất đai ở từng địa phương. Trong đó, đáng chú ý là kỹ thuật điều chỉnh khoảng cách hàng, khoảng cách cây để tăng mật độ trên một đơn vị diện tích (hơn 60 nghìn cây/ha) đã làm tăng năng suất ngô hơn 15%; Kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc bằng cách trồng xen các cây họ đậu theo đường đồng mức, sử dụng các vật liệu tại chỗ để phủ đất, góp phần hạn chế xói mòn của nương ngô. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất ngô từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và ra hạt đã giảm chi phí sản xuất, giảm lao động nặng nhọc và hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất hạt giống ngô lai F1 tiếp tục được mở rộng trong vùng, nhiều nông dân đã thành thạo công nghệ sản xuất, năng suất hạt lai bình quân đạt 35 – 40 tạ/ha. Thậm chí đến nay nhiều tỉnh đã tự sản xuất được hạt giống với diện tích lớn như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái… với giá thành một kg hạt giống sản xuất trong nước chỉ bằng một phần hai so với hạt giống nhập nội cùng loại và phẩm cấp.
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và canh tác ngô đã góp phần đưa năng suất ngô của vùng TDMNPB tăng 11% so với năm năm trước. Cây ngô trong vùng đã trở thành cây màu lương thực quan trọng thứ hai sau lúa, với sản lượng chiếm 36% sản lượng ngô cả nước. Quan trọng hơn, việc thâm canh cây ngô đã làm gia tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, từng bước bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ của các tỉnh miền núi phía bắc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()