Ngộ độc rượu: Hồi chuông cảnh báo
LSO-Đầu tháng 12 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu khiến 15 người phải nhập viện trong đó 6 người tử vong.
LSO-Đầu tháng 12 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu khiến 15 người phải nhập viện trong đó 6 người tử vong. Trước đó, tháng 4 và tháng 6/2013, tại Cao Bằng và Lào Cai cũng xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người. Các vụ ngộ độc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo việc người dân sử dụng rượu tràn lan, nhất là rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hiện nay…
Lạm dụng rượu, bia làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, suy tim, xơ gan… (Ảnh: MINH HỌA) |
Trên địa bàn Lạng Sơn cho đến nay tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong song thực tế đã có rất nhiều người phải đến các cơ sở y tế do ngộ độc rượu. Đặc biệt, ngoài những trường hợp cấp cứu do ngộ độc rượu cấp tính, còn có rất nhiều bệnh nhân phải vào điều trị loạn thần do rượu và các bệnh: tiểu đường, suy tim, xơ gan… do ngộ độc rượu mãn tính.
Ngày 6/12/2013 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh (BVĐK) tiếp nhận một trường hợp loạn thần do rượu. Bệnh nhân là Hoàng Văn Đào, ở xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, nhập viện trong tình trạng cơ thể suy yếu, chân tay run rẩy, phản xạ kém, đặc biệt có nhiều biểu hiện rối loạn tâm thần như hoảng loạn, la hét… Bệnh nhân cho biết: ông bắt đầu uống rượu từ năm 15-16 tuổi và dần trở nên nghiện lúc nào không hay, có ngày ông uống 1-2 lít rượu, nhiều khi mải nhậu mà quên cả ăn. Chỉ đến khi vào đây, theo yêu cầu của các bác sỹ, ông mới ngừng uống rượu. Theo các y bác sỹ Khoa Nội 1, trường hợp bệnh nhân Đào là một “điển hình” về ngộ độc rượu mãn tính, bệnh nhân sử dụng rượu trong một thời gian dài khiến chất có hại trong rượu (cồn) tích tụ trong cơ thể, làm suy yếu hệ thần kinh, ảnh hưởng đến vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não và khả năng điều khiển hành vi. Cũng có tiền sử nghiện rượu như ông Đào, anh Lưu Thế Công, 38 tuổi ở thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập đang điều trị tiểu đường tại Khoa Nội 1. Anh cho biết anh uống rượu từ khi còn trẻ và hầu như ngày nào cũng uống, ít thì dăm ba chén, nhiều thì tới cả lít mà cũng không quan tâm xem loại rượu đó có nguồn gốc thế nào, có đảm bảo chất lượng hay không. Cách đây 5 năm, anh phát hiện mình bị tiểu đường, tìm hiểu ra mới biết cũng một phần là do anh uống rượu quá nhiều nhưng khi biết điều này thì đã muộn. “Tôi vốn là lái xe nhưng từ khi mắc bệnh, tôi phải bỏ nghề vì còn đâu sức để lái”- Anh Công chia sẻ.
Ngoài 2 bệnh nhân loạn thần do rượu và tiểu đường trên đây, hiện Khoa Nội 1 đang điều trị cho nhiều trường hợp mắc các bệnh mãn tính: suy tim, xơ gan, viêm tụy, tai biến mạch máu não… mà bệnh nhân trước đó đều sử dụng rượu trong thời gian dài. Như trường hợp ông Lộc Văn Kiệu, 65 tuổi, ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc. Theo lời kể của bệnh nhân, ông uống rượu từ thời thanh niên, không chỉ dịp lễ, tết, cưới xin, giỗ chạp mà kể cả ngày thường, nhiều lúc uống đến say mềm, chân tay bải hoải nhưng vẫn không bỏ được rượu. Chỉ đến năm 2005, khi phát hiện mình bị suy tim, ông mới quyết tâm cai hẳn. Bác sỹ Đặng Huy Du, từng công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, hiện là Trưởng Khoa Nội 1 BVĐK cho biết: Thời gian gần đây, có khá nhiều bệnh nhân vào viện do ngộ độc rượu cấp tính hoặc do các bệnh liên quan đến việc lạm dụng rượu. Trước hết là bệnh nhân ngộ độc rượu cấp, nhập viện trong tình trạng hôn mê li bì hoặc tinh thần bị kích thích, vật vã, la hét, đập phá. Những trường hợp này được điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu, nhờ được xử lý kịp thời nên chưa có trường hợp nào tử vong. Bên cạnh đó còn có nhiều bệnh nhân vào viện do ngộ độc rượu mãn tính với các bệnh lý như loạn thần, tai biến mạch máu não, suy tim, tăng huyết áp, xơ gan, viêm tụy mãn, đái tháo đường, viêm đa rễ thần kinh… Các bệnh này thường để lại di chứng nặng nề, khiến người bệnh mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Theo thống kê, hiện trung bình mỗi tháng, Khoa Nội 1 BVĐK tiếp nhận khoảng 140 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% bệnh nhân có tiền sử uống rượu hoặc nghiện rượu; đáng chú ý khoảng 5% số bệnh nhân vào điều trị ở đây là loạn thần do rượu. Dịp tết nguyên đán và lễ hội hàng năm-thời điểm nhu cầu sử dụng rượu của người dân tăng cao thì số bệnh nhân vào điều trị cũng “tỷ lệ thuận”: tăng khoảng 50% so với ngày thường.
Bệnh nhân tiểu đường có tiền sử nghiện rượu đang được điều trị tại BVĐK |
Theo phân tích khoa học, rượu là dung dịch gồm nước và cồn. Ngoài các thành phần chính trên, rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên màu sắc, hương vị riêng. Khác với rượu tự pha chế chứa cồn công nghiệp methanol gây ngộ độc chết người như vụ việc ở Quảng Ninh vừa qua, rượu bình thường là loại có chứa cồn ethanol được tạo ra từ đường trong quá trình chưng cất dưới tác dụng của nấm men hay còn gọi là men rượu. Tuy nhiên, ethanol cũng có thể gây ngộ độc rượu nếu dùng quá mức cho phép. Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính ra, việc lạm dụng rượu bia kéo dài, ngay cả những loại rượu an toàn có thể gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thần kinh, gan mật, tim mạch, chuyển hóa… Các bác sỹ khuyến cáo: để phòng ngộ độc rượu, nên hạn chế sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn, nếu có uống thì chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ, cần chọn loại rượu có thương hiệu, có nhãn mác, có nơi xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyệt đối không uống rượu tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, không uống rượu khi đói…
BẢO VY
Ý kiến ()