Nghiến tái sinh - tín hiệu vui từ rừng Hữu Liên
– Khoảng 10 năm trước đây, vì nhiều nguyên nhân, cây nghiến gần như biến mất khỏi rừng đặc dụng Hữu Liên. Những năm trở lại đây, nhờ nỗ lực bảo tồn của lực lượng chức năng và người dân trong khu vực, cây nghiến bắt đầu tái sinh, phát triển xanh tốt.
Trước năm 2005, công tác bảo vệ rừng chủ yếu do các thành viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đảm nhiệm. Lực lượng mỏng (10 người), địa bàn rộng nên công tác bảo vệ, ngăn ngừa các nguy cơ chưa hiệu quả. Những cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc khai thác. Khu rừng hơn 8.000 ha chỉ còn lại vài cây nghiến cổ thụ mọc ở đầu nguồn nước.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên tuần tra, bảo vệ rừng
Năm 2007, việc phát triển Rừng đặc dụng Hữu Liên nói chung và cây nghiến nói riêng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1833/QĐ – UBND ngày 8/10/2007 về việc phê duyệt dự án rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn, trong đó, khu rừng đặc dụng Hữu Liên được quy hoạch với tổng diện tích 8.293,4 ha. Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 788/QĐ -UBND ngày 3/6/2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hữu Liên đến năm 2020. Theo đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng được tăng từ 10 người lên 32 người, Ban Quản lý được đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Ông Phạm Văn Cấp, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Để bảo tồn cây nghiến, chúng tôi hỗ trợ kinh phí cho 8 thôn vùng đệm có người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng với số tiền 40 triệu đồng/thôn/năm để xây dựng các công trình điện chiếu sáng, bê tông giao thông…; thành lập 30 tổ tuần tra bảo vệ rừng với 100 hộ dân tham gia, mỗi tổ quản lý từ 200 đến 300 ha rừng. Mỗi tuần, các tổ tổ chức tuần rừng 2 lần để phát hiện và ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của rừng, đồng thời, theo dõi quá trình tái sinh của cây nghiến. Hiện nghiến tái sinh mọc rải rác khắp khu rừng.
Cùng với đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn cây nghiến thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, lồng ghép với các buổi họp thôn, bản. Đặc biệt, Ban Quản lý đã biên soạn, phát hành các tài liệu, tờ rơi… tuyên truyền cho người dân.
Hằng năm, Ban Quản lý tổ chức hơn 150 hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và bảo tồn cây nghiến. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền 121 lượt qua hệ thống loa truyền thanh của các thôn; tuyên truyền lồng ghép 24 buổi cho hơn 2.400 lượt người; phối hợp mở 5 tiết học tuyên truyền về bảo tồn cây nghiến tại 5 trường cho gần 1.000 lượt học sinh và giáo viên; xây dựng 4 pano tuyên truyền, cấp phát 300 tờ rơi. Ban Quản lý tổ chức 1.740 lượt tuần tra, bảo vệ rừng với hơn 5.300 lượt người tham gia. Đặc biệt, trong năm 2021, đơn vị đã truy quét 18 lần trong rừng, phá hủy 2 hố than, thu giữ 3 cưa xăng.
Nhờ đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phát hiện xử lý vi phạm quy định về bảo vệ rừng, bảo tồn cây nghiến mà nhận thức cán bộ và Nhân dân trên địa bàn các xã, huyện có sự thay đổi tích cực. Người dân sống trong khu vực có rừng không còn chặt phá cây rừng đốt than, phát rừng làm rẫy, không chăn thả trâu, bò trong rừng… bừa bãi như trước, nhờ đó, cây nghiến có thể để đâm chồi, nảy lộc và phát triển tự nhiên.
Anh Hoàng Văn Hùng, viên chức phụ trách địa bàn rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Trong phạm vi 200 ha rừng tôi quản lý, trên tuyến đường tuần tra dài gần 7 km thì có 200 cây nghiến đang phát triển. Cây nghiến tái sinh bằng cách nảy mầm từ hạt và mọc trên gốc, rễ của cây mẹ. Do đặc tính ưa núi đá vôi, cây nghiến chủ yếu mọc ở các hốc đá, núi đá treo leo nên tốc độ sinh trưởng rất chậm. Mỗi năm chỉ tăng khoảng 30 cm chiều cao. Hiện trong rừng chủ yếu là cây từ 6 đến 7 năm tuổi và những cây nghiến mới mọc, cao từ 1 gang tay đến 2 hoặc 3 m.
Những nỗ lực của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã giúp cây nghiến từng bước tái sinh. Với cách làm hiệu quả như vậy, thời gian tới, không chỉ cây nghiến mà còn có nhiều loài cây khác sẽ hồi sinh và xuất hiện tại khu rừng này.
Ý kiến ()