Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch tại các khu di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam
Đó là nội dung của buổi hội thảo “Hiện trạng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại các khu di sản văn hóa thế giới của Việt Nam” do Tổng cục Du lịch và Viện nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức ngày 15/7/2011 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Cục Di sản Văn hóa – Bộ VHTTDL, TCDL, các cơ sở đào tạo Du lịch và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đóng góp tham luận nêu lên giá trị và tiềm năng to lớn của các điểm di sản Văn hóa thế giới (VHTG) và hiện trạng khai thác sản phẩm du lịch từ những giá trị này. Theo đó, kể từ tháng 12/1993, khi Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO quyết định ghi tên quần thể di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới, cho tới nay nước ta đã có 7 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó, trong số này có 5 Di sản Văn hóa vật thể là: Quẩn thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Trung tâm Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành nhà Hồ. Tiềm năng tài nguyên du lịch văn hóa nổi trội và đặc sắc nhưng thực tế khai thác để phát triển thành sản phẩm du lịch tại các di sản VHTG của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Hầu hết tại các khu di sản VHTG đều có sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lặp, thiếu bản sắc và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, do đó không đem lại hiệu quả doanh thu cao; ngoài ra, các sản phẩm du lịch tại các điểm di sản VHTG chưa góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị của di sản.
Các đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên tại các điểm di sản VHTG là do chưa được đầu tư nghiên cứu phát triển một cách hệ thống trên diện rộng với mục tiêu và chiến lược dài hạn, sự phối hợp liên ngành trong phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản VHTG còn yếu, phương thức đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư rộng rãi trong xã hội, nhận thức và trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm du lịch tại các di sản còn bị hạn chế trên nhiều khía cạnh.
Từ những nguyên nhân trên, nhiều ý kiến quí báu cũng được đưa ra nhằm định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tại các điểm di sản VHTG tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng địa phương ở khu vực di sản; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý di sản VHTG và cán bộ quản lý của chính quyền địa phương; Bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản VHTG một cách bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của cộng đồng cư dân nơi có di sản. Các giải pháp cụ thể: Hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch tại các di sản VHTG; Đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến, làm mới các sản phẩm cũ; Xác định sản phẩm định vị thương hiệu cho các di sản; Tăng cường liên kết để phát triển sản phẩm du lịch; Phát động sự tham gia của cộng đồng…
Văn hóa là yếu tố nội sinh của du lịch. Việt Nam tự hào là đất nước có hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Các di sản văn hóa còn lưu lại đến ngày nay chính là thế mạnh nội lực cho Du lịch Việt Nam phát triển và nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập. Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch tại các điểm di sản VHTG cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương hiệu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. |
Ý kiến ()