Nghiên cứu xây dựng mô hình xã thông minh tại tỉnh Bình Thuận
Chiều 17/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho tỉnh Bình Thuận - Vấn đề và giải pháp” nhằm phát triển các mô hình chuyển đổi số hướng tới kết hợp giữa các công nghệ thông tin và truyền thông với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa và du lịch để tạo ra một cộng đồng thông minh và bền vững.
Với tinh thần chủ động và khẩn trương, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung cụ thể theo yêu cầu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị phù hợp với điều kiện, đặc điểm của tỉnh Bình Thuận.
Hơn 3 năm nay, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số đã được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 4.285 trạm BTS. Trong đó, có 1.002 trạm BTS 2G, 1.255 trạm BTS 3G, 1.944 trạm BTS 4G, 84 trạm BTS 5G. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 97,92%; với 1.463.912 số thuê bao điện thoại di động.

Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trung tâm hành chính được tiếp nhận trực tuyến là 56,9 %. Đưa vào sử dụng Sàn thương mại điện tử Bình Thuận quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 3 địa phương Bình Thuận, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Xây dựng triển khai một số tiện ích phục vụ cho người dân: Trợ lý ảo hỗ trợ giải đáp TTHC, Ứng dụng CDS Bình Thuận, Ứng dụng Phan Thiết-S,...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, mô hình xã thông minh là một trong những xu hướng phát triển trong chuyển đổi số nông thôn, đặc biệt là trong các khu vực có điều kiện địa lý, kinh tế và văn hoá khác nhau.
Mô hình này gồm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý, giám sát và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý; tập trung vào phát triển các ngành nghề truyền thống và sản phẩm địa phương để tạo ra giá trị gia tăng và phát triển kinh tế địa phương; cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục và văn hóa; xây dựng hệ thống giao thông thông minh để kết nối làng với các khu vực lân cận và thị trường.

Với phương châm “Bộ máy tinh gọn, dữ liệu kết nối, quản trị thông minh”, ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị, các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo các nội dung tại hội thảo để hoàn thiện, đề xuất mô hình xã thông minh phù hợp với đề án sắp xếp lại tổ chức đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trọng tâm phải bảo đảm hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu “quản trị thông minh”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, các đơn vị nghiên cứu tham mưu triển khai các nhiệm vụ có tác động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số như kịp thời triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Các đơn vị nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, ra quyết định dựa trên dữ liệu, đồng thời minh bạch hóa và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn để góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số.

Ý kiến ()