Nghiên cứu xây dựng các chiến lược ngành trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Để toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn thiện các chiến lược ngành trong Quân đội.
Muốn xây dựng các chiến lược ngành trong Quân đội đúng hướng, đạt kết quả tốt, trước hết cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chiến lược ngành. Đó là tổng thể các quan điểm, mục tiêu, phương châm, chính sách, mưu lược của ngành được hoạch định trên cơ sở dự báo môi trường chiến lược, quy tụ các lực lượng, thực hiện các giải pháp chiến lược nhằm tạo ra trạng thái phát triển mới cho ngành bằng con đường có lợi nhất.
Trong tổ chức Quân đội có nhiều ngành: Tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, hải quân, không quân, công binh... Mỗi ngành có vị trí chiến lược, tầm quan trọng khác nhau, nhưng có mối liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Bất cứ sự biến động của ngành nào cũng đều ảnh hưởng nhất định đến ngành kia và ảnh hưởng đến chiến lược quốc gia, sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của Quân đội.
Xây dựng chiến lược ngành là đòi hỏi tất yếu, bởi đây là lý luận dẫn đường, “bản thiết kế” quan trọng, căn cứ, cơ sở khoa học để tổ chức thi công “công trình chuyên ngành” thắng lợi, với yêu cầu tạo cho ngành bước phát triển mới, bảo đảm đáp ứng tốt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) đòi hỏi ngày càng cao. Xây dựng chiến lược ngành về QS, QP phải trên cơ sở Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, phù hợp với yêu cầu của chiến lược quốc gia.
Chiến lược quốc gia và chiến lược ngành (chuyên ngành) về QS, QP có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ, thống nhất với nhau, là mối quan hệ giữa cái tổng thể với cái bộ phận. Chiến lược quốc gia là nền tảng của chiến lược ngành, nó xác định quan điểm, phương châm, nội dung chủ yếu của chiến lược ngành; chắt lọc những yếu tố cốt lõi của chiến lược bộ phận để bổ sung, hoàn chỉnh chiến lược quốc gia. Chiến lược ngành quán triệt và cụ thể hóa mục tiêu chiến lược quốc gia, thực hiện sự chỉ đạo và hoạt động đúng quỹ đạo của chiến lược quốc gia. Thực hiện chiến lược ngành là từng bước thực hiện chiến lược quốc gia. Mặt khác, chiến lược ngành cung cấp dữ liệu, bổ sung, hoàn thiện chiến lược quốc gia ngày càng khoa học, hiệu quả, sát thực hơn, đáp ứng sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới.
Xây dựng các chiến lược ngành trong Quân đội cần quán triệt, thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung cơ bản sau:
Một là, nắm chắc nội dung chủ yếu, nhất là nội dung mới của Chiến lược BVTQ, nhận diện rõ môi trường chiến lược, thiết kế mục tiêu, định hình lực lượng, định dạng giải pháp chiến lược phù hợp với từng ngành trong Quân đội.
Quán triệt sâu sắc 5 quan điểm của Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, trong đó, cần chú trọng quan điểm mới là: Dựa vào dân, “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, BVTQ và quan điểm “3 kiên” (kiên định, kiên quyết, kiên trì). Trên cơ sở quán triệt mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, cần nắm chắc nội dung mới, như: Bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong, dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh; nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, sức mạnh của nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước toàn diện, nhanh, bền vững; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện định hướng mới về xây dựng thế trận đối ngoại BVTQ.
Bên cạnh đó, nắm vững và cụ thể hóa 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về quốc phòng, an ninh, như: Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời đề ra các chủ trương, đối sách xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ; chú trọng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, mất an ninh trật tự từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam thời kỳ mới...
Cùng với quán triệt, cụ thể hóa nội dung của Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, cần nhận diện rõ môi trường chiến lược, dự báo những tác động thường xuyên, trực tiếp đến mọi hoạt động của mỗi ngành trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm hoặc nhiều hơn, chứ không phải chỉ trước mắt, hay một nhiệm kỳ. Nắm chắc thành tựu và hạn chế trong xây dựng Quân đội và ngành để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, từ đó mới tạo ra trạng thái phát triển mới cho ngành bằng con đường có lợi nhất.
Muốn vậy, trước hết phải xác định mục tiêu chiến lược ngành, như mục tiêu cơ bản, dài hạn và mục tiêu trung hạn, ngắn hạn thích ứng với từng giai đoạn. Mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng đều là một khâu, một mắt xích quan trọng trong xây dựng Quân đội, BVTQ. Mục tiêu của ngành phải thống nhất và nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia, đồng bộ với các chiến lược ngành khác trong Quân đội.
Về tập hợp, bố trí lực lượng chiến lược, cần xác định rõ lực lượng chính thức và lực lượng dự bị, trong nước và quốc tế. Xác định lực lượng chiến lược gồm cả huy động, sắp xếp nhân lực và vật lực nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược của ngành. Do đó, cần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch khoa học, tổ chức điều hành kiên quyết, linh hoạt.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chiến lược ngành phù hợp, gồm giải pháp căn bản, giải pháp tình thế, đột phá và các chính sách liên quan. Đây là vấn đề then chốt, giải pháp phù hợp, hiệu quả sẽ tạo ra diện mạo mới, đột phá về chất cho mỗi ngành, làm cho từng ngành có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, gọn nhẹ; trang bị, vũ khí, phương tiện hiện đại, thông minh; cán bộ, chiến sĩ có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chiến lược ngành khoa học, khả thi.
Trong tổ chức bộ máy Quân đội có nhiều bộ phận, mỗi cơ quan đảm nhiệm chức năng tham mưu và giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với một ngành, lĩnh vực. Sức mạnh của ngành là sức mạnh của cả hệ thống từ cấp chiến lược đến cấp cơ sở. Vì vậy, để xây dựng chiến lược ngành tối ưu, cần phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, nòng cốt là cơ quan chiến lược đầu ngành. Căn cứ chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chức năng, nhiệm vụ, tiềm lực đất nước, Quân đội và yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ thời kỳ mới để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chiến lược ngành phù hợp với định hướng của Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cả hiện tại và tương lai.
Trong quá trình xây dựng chiến lược ngành, cần huy động tối đa trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan để việc tham mưu hoạch định chiến lược đạt kết quả cao. Chú trọng sử dụng, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, những cán bộ có tầm tư duy chiến lược, tâm huyết, có kiến thức, kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung. Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và cơ chế làm việc phù hợp để phát huy trí tuệ của đội ngũ này vào công tác tham mưu hoạch định chiến lược ngành một cách hiệu quả nhất.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý chiến lược ngành về quân sự, quốc phòng.
Từ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chiến lược về QS, QP; từ vai trò của chiến lược cấp quốc gia, cấp ngành; yêu cầu phát triển toàn diện và nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ BVTQ của Quân đội, đặt ra sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý chiến lược trong lĩnh vực QS, QP.
Để các ngành tham mưu xây dựng chiến lược đúng định hướng Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thống nhất trong lãnh đạo, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các chiến lược trong lĩnh vực QS, QP, có cơ sở bổ sung, hoàn thiện chiến lược cấp quốc gia; đồng thời giúp Bộ Quốc phòng tổ chức, điều hành tập trung, thống nhất, hiệu quả, khắc phục sự phân tán, biệt lập hoặc chệch hướng thì rất cần phải tổ chức quản lý chặt chẽ chiến lược ngành trong lĩnh vực QS, QP.
Theo đó, cần nghiên cứu các đề xuất về quan điểm lãnh đạo, quản lý chiến lược ngành trong Quân đội như sau: (1) Công tác quản lý chiến lược trong lĩnh vực QS, QP đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương; sự quản lý, điều hành của Nhà nước, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Quốc phòng. (2) Tổ chức quản lý chiến lược phải chặt chẽ, khoa học, đúng Hiến pháp, pháp luật và phù hợp với tính chất, đặc điểm QS, QP. (3) Hệ thống tổ chức quản lý chiến lược gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả; hình thành hệ thống tổ chức quản lý chiến lược nhưng không làm tăng biên chế mà vẫn bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về QS, QP.
Trong thời kỳ mới, sự nghiệp BVTQ đứng trước cả thời cơ và nguy cơ. Từ sự thay đổi cục diện thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, không gian chiến lược mới... đòi hỏi các ngành trong Quân đội phải quán triệt sâu sắc Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu hoạch định các chiến lược ngành làm cơ sở lý luận, dẫn đường cho việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngành và toàn quân, tạo bước phát triển mới cho mỗi ngành và sự phát triển đồng bộ, toàn diện của Quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVTQ xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Ý kiến ()