Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Về một dòng tộc có nhiều cống hiến với đất nước” nhằm tìm hiểu và làm rõ đóng góp của dòng họ Lê Minh ở thôn Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá đối với phong trào yêu nước của địa phương và đất nước từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.Các tham luận tại hội thảo đã tập trung trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật tiền bối dòng họ Lê như Lê Minh Dung, Lê Văn Tiến, Lê Quang Phấn, Đỗ Thị Khương… trong đó nêu rõ công lao đóng góp của các bậc tiền bối này với lịch sử cách mạng địa phương và đất nước. Đây là dòng họ nổi tiếng xứ Thanh có nhiều cống hiến với đất nước như cụ Lê Minh Dung, một vị quan của triều đình nhà Nguyễn đã theo Tổng đốc Quân vụ Nguyễn Tri Phương chinh chiến đánh thực dân Pháp xâm lược, sau này tham gia phong trào Cần Vương và hy sinh anh dũng tại căn cứ...
Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Về một dòng tộc có nhiều cống hiến với đất nước” nhằm tìm hiểu và làm rõ đóng góp của dòng họ Lê Minh ở thôn Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá đối với phong trào yêu nước của địa phương và đất nước từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật tiền bối dòng họ Lê như Lê Minh Dung, Lê Văn Tiến, Lê Quang Phấn, Đỗ Thị Khương… trong đó nêu rõ công lao đóng góp của các bậc tiền bối này với lịch sử cách mạng địa phương và đất nước. Đây là dòng họ nổi tiếng xứ Thanh có nhiều cống hiến với đất nước như cụ Lê Minh Dung, một vị quan của triều đình nhà Nguyễn đã theo Tổng đốc Quân vụ Nguyễn Tri Phương chinh chiến đánh thực dân Pháp xâm lược, sau này tham gia phong trào Cần Vương và hy sinh anh dũng tại căn cứ Mã Cao năm 1887 ở Yên Định (Thanh Hóa) trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình.
Một bậc nhân sĩ tiền bối khác là cụ Lê Văn Tiến, con của cụ Lê Minh Dung, có mối quan hệ mật thiết với nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền. Tham gia phong trào chống thuế ở Trung kỳ năm 1908. Trong một lần tham gia họp bàn chống Pháp, do bị bại lộ nên ông cùng những người tham gia cuộc họp đều bị địch bắt và kết tội “âm mưu bạo loạn, chín năm khổ sai, đày đi Côn Đảo”. Con cụ Tiến sau này là ông Lê Quang Phấn, bí danh Hoành Sơn, vào Đảng cộng sản Đông Dương đầu năm 1930, từng có mối quan hệ chiến đấu mật thiết với Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Hoạt động trong Đảng thời kỳ 1930-1931, ông là một trong những người thành lập Chi bộ Tân Việt (1925) ở Đà Lạt, sau đó chuyển thành Chi bộ đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương tại Đà Lạt. Vợ ông, bà Đỗ Thị Khương là một cơ sở của cách mạng, có nhiều công lao trong việc đóng góp tài chính, tích cực ủng hộ cán bộ, giúp đỡ lớp huấn luyện, làm liên lạc cho Đảng… Bà đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng 'Bằng có công với nước' với những dòng chữ ghi nhận là 'Đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám'.
Khẳng định những công lao trên của các vị tiền bối của một dòng họ yêu nước tại cuộc hội thảo này, các đại biểu đã đề xuất nhiều phương hướng, hành động tri ân thiết thực, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng với các thế hệ hôm nay và mai sau trên quê hương Thiệu Hoá, nhất là trong dịp cả nước đang có nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn các Anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng, với quê hương, đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()