Nghiên cứu về dinh dưỡng, dược học - nâng cao giá trị mật ong ngũ gia bì
– Mật ong ngũ gia bì được biết đến là loại mật ong có nhiều giá trị về dinh dưỡng và dược học, tuy nhiên cụ thể ra sao thì chưa có các công trình nguyên cứu. Việc cụ thể hóa các giá trị góp phần xác định vị trí của loại mật ong này trên thị trường là vô cùng cần thiết.
Trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại mật ong, trong đó, mật ong ngũ gia bì được đánh giá cao vì có nhiều tác dụng trong điều trị một số bệnh và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, mật ong ngũ gia bì trên thị trường Lạng Sơn có giá khoảng 500.000 đồng/lít, cao hơn các loại mật ong khác nhưng vẫn không đủ bán. Để làm sáng tỏ giá trị dinh dưỡng của mật ong ngũ gia bì, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020, nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Hoàng Lâm, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong ngũ gia bì tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”.
Đại biểu dự lễ tổng kết chương trình phát triển tài sản trí tuệ tổ chức vào tháng 12/2020 tham quan gian trưng bày sản phẩm mật ong ngũ gia bì
Mật ong ngũ gia bì phân bố chủ yếu tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng. Toàn xã có trên 100 hộ nuôi ong với khoảng 800 đàn tập trung tại thôn Nà Phước và Nà Pất, sản lượng đạt từ 1.000 đến 2.000 lít/năm. Anh Hoàng Văn Toàn, thành viên Hợp tác xã Nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy cho biết: Mật ong ngũ gia bì đặc biệt ở chỗ cây ngũ gia bì ra hoa từ tháng 10 đến tháng 12, đây là mùa hanh khô. Ở những vùng khác, thời gian này, ong đã ngủ đông thì đây lại chính là cao điểm ong ở Vân Thủy cho mật, mật thu được gọi là mật ong ngũ gia bì. Mật ong ngũ gia bì có màu óng, vàng nhạt, dễ kết tinh, mùi thơm mát, vị đắng nhẹ.
Mỗi năm, người nuôi ong tại xã Vân Thủy thu hoạch 2 vụ vào tháng 5, 6 (mật ong hoa keo) và tháng 11 đến tháng 1 (mật ong ngũ gia bì). Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu 2 loại mật này tại 10 hộ dân trên địa bàn xã Vân Thủy để so sánh. Nhóm đã sử dụng các phương pháp phân tích theo tiêu chuẩn Việt Nam và các phương pháp hiện đại để xác định chỉ tiêu dinh dưỡng, qua đó, cho thấy độ pH (xác định độ axít hay bazơ), HMF (độ độc hại của Hydroxy Methyl Furfurol) trong giá trị cho phép; không phát hiện thấy các nhóm chất bảo vệ thực vật; không có vi sinh vật gây hại trong mật ong và mật có hàm lượng nước từ 10 đến 15%, đây là hàm lượng lý tưởng để hạn chế quá trình lên men, phát triển của sinh vật. Tiến sỹ Hoàng Lâm cho biết: Hàm lượng Vitamin B5 trong mật ong ngũ gia bì là 0,67 mg/100 gram, cao hơn 1,5 lần so với mật ong hoa keo. So sánh với hàm lượng Vitamin B5 trong mật ong theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ (hàm lượng này ở ngưỡng 0,086 mg/100 gram). Như vậy, có thể thấy hàm lượng Vitamin B5 trong mật ong ngũ gia bì cao gấp 10 lần tiêu chuẩn dinh dưỡng của Hoa Kỳ.
Vitamin B5 tan trong nước và tham gia điều chỉnh nhiều quá trình sinh lý bên trong cơ thể con người, góp phần xây dựng sức khỏe tổng thể. Cơ thể cần Vitamin B5 để duy trì chức năng gan và hệ thần kinh; giữ đường tiêu hóa khỏe mạnh; sản xuất tế bào hồng cầu để máu cung cấp ô xy đi nuôi cơ thể; duy trì làn da, tóc, mắt khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện mật ong ngũ gia bì có các nguyên tố vi lượng vượt trội như kali, sắt, magie… Về giá trị dược học, bên cạnh tác dụng long đờm, cầm ho, giảm hen suyễn, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, dạ dày… như dân gian ghi nhận, nhóm nghiên cứu còn phát hiện mật ong ngũ gia bì có khả năng ức chế tiểu đường ở nồng độ cao, khả năng ức chế đối với tế bào ung thư. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn.
Từ những nghiên cứu trên cho thấy, mật ong ngũ gia bì có giá trị dinh dưỡng, dược học rất cao. Để nâng cao giá trị, quản lý thương hiệu sản phẩm, thời gian qua, các cấp ngành liên quan và UBND xã Vân Thủy đã đăng ký nhãn hiệu tập thể; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng chất liệu giấy vỡ để làm tem dán trên nắp hộp nhằm ngăn chặn hành vi đánh tráo sản phẩm; thành lập hợp tác xã, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… Vì vậy, sản phẩm mật ong ngũ gia bì của Lạng Sơn đã được quảng bá rộng rãi, đến tay người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh.
Trong tháng 3/2021, đề tài “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong ngũ gia bì tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu, đánh giá đạt. Việc làm rõ giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong ngũ gia bì càng làm tăng giá trị của sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để sản phẩm đặc sản này của Xứ Lạng vươn ra thị trường thế giới.
Ý kiến ()