Nghiên cứu về cây dược liệu: Cơ sở để xây dựng vùng bảo tồn gen và quy hoạch phát triển dược liệu
(LSO) – Lạng Sơn là địa phương có nhiều loài cây thuốc song cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về cây dược liệu trên địa bàn tỉnh được tăng cường sẽ góp phần quan trọng trong công tác xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu cũng như quy hoạch vùng phát triển cây dược liệu.
Giai đoạn 2012 – 2014, công tác điều tra, đánh giá hiện trạng của một số loài dược liệu chính của tỉnh đã được ngành y tế tỉnh thực hiện tại 6 huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định. Từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019, nhóm nghiên cứu do Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam (đồng chủ nhiệm) đã triển khai đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng vùng bảo tồn gen cây dược liệu và Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây chính là sơ sở dữ liệu quan trọng để đề xuất các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, quy hoạch vùng bảo tồn gen dược liệu.
Lan kim tuyến được trồng thử nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm Lạng Sơn
Tiến sỹ Phạm Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Trong 2 năm thực hiện đề tài, nhóm đã khảo sát tại 48 xã của 5 huyện, thành phố. Kết quả, nhóm đã điều tra, bổ sung tiêu bản 176 loài cây thuốc thuộc 134 chi, 73 họ thực vật. Như vậy, đến nay, trên phạm vi toàn tỉnh ghi nhận 933 loài, 564 chi, 186 họ thuộc 6 ngành thực vật, nấm có giá trị làm thuốc. Trong số những loài cây thuốc ghi nhận được có 50 loài cây thuộc diện bảo tồn, 2 loài thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp. So với những tài liệu trước đây, đợt điều tra này phát hiện 7 loài cây thuốc, bổ sung cho hệ thực vật tỉnh Lạng Sơn. Đáng chú ý 5/7 loài thuộc diện bảo tồn gồm: ba gạc vân nam, sắn rừng, hoàng liên ô rô, phòng kỷ lá to, rễ gió.
Căn cứ kết quả điều tra thu thập, các loài cây thuốc được nhóm nghiên cứu sắp xếp thành danh lục cây thuốc tỉnh Lạng Sơn; xác định 30 loài, nhóm loài cây thuốc tiềm năng khai thác, phát triển; xây dựng bộ tiêu bản, bộ ảnh màu cây thuốc tỉnh Lạng Sơn; bản đồ phân bố cây thuốc tỉnh Lạng Sơn.
Thạc sỹ Bùi Thị Mẫn, thư ký đề tài cho biết: Trong đợt nghiên cứu lần này, nhóm đề xuất giải pháp về bảo tồn gen đối với 50 loài cây nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Cụ thể là bảo tồn tại chỗ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, 3 khu bảo tồn loài, sinh cảnh tại huyện Bắc Sơn, Đình Lập và bảo tồn chuyển chỗ các loài cây thuốc quý phát triển tự nhiên vào các vườn thuốc. Cùng đó, đề xuất các giải pháp tổng thể về bảo tồn, khai thác và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh như: trồng cây thuốc có tiềm năng; khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên; cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến; liên kết thị trường và tiêu thụ; huy động vốn đầu tư; hợp tác trong nước, quốc tế…
Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 60.000 tấn dược liệu, nguồn cung chủ yếu từ nhập khẩu. Chính vì vậy, xác định tiềm năng, thế mạnh trong phát triển dược liệu sẽ giúp các cấp chính quyền có chính sách đầu tư phát triển phù hợp, giúp doanh nghiệp có cơ sở để nghiên cứu, đầu tư đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân trong nước. Với những ý nghĩa to lớn mà đề tài mang lại, tháng 5/2020, đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh đã nghiệm thu và đánh giá mức đạt.
So với các địa phương trong cả nước, Lạng Sơn có số loài cây dược liệu đứng thứ ba, chỉ sau Hà Giang và Nghệ An. Thấy được tiềm năng từ cây dược liệu, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số cây dược liệu như: hồi, quế, thạch đen với số lượng lớn. Cùng đó, một số cây như: ba kích, hà thủ ô đỏ, sa nhân, bảy lá một hoa, gừng, nghệ… cũng được phát triển mạnh trong những năm gần đây. |
Ý kiến ()