Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp
Nông dân xã Gia Cát (Cao Lộc) sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao trong nhà lưới nhà kính |
Giai đoạn 2015 – 2017, nông dân huyện Tràng Định áp dụng quy trình thâm canh cây thạch an toàn, chất lượng, năng suất cao được đưa ra trong đề tài khoa học “Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”. Nhờ đó, loại cây “trăm tỷ” này ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Cụ thể, năm 2017, nông dân Tràng Định trồng gần 2.000 ha (tăng 34,2% so với năm 2016) cho sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn, đem lại thu nhập gần 300 tỷ đồng. Bà Nông Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định cho biết: Đề tài là cơ sở khoa học giúp nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để cây thạch đem lại giá trị kinh tế cao, sản phẩm ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường và được nhà nước bảo hộ thương hiệu. Từ trồng thạch, nhiều hộ dân trong huyện có thu nhập cao, có hộ thu trên 100 triệu đồng/năm.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có gần 20 đề tài, dự án KH&CN liên quan đến lĩnh vực nông – lâm nghiệp đã và đang được thực hiện. Các đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng dựa trên tiêu chí gắn với thực tiễn sản xuất nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Cụ thể là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học; nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; kỹ thuật và giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Một số đề tài điển hình nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp như: nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gieo sạ lúa bằng giàn sạ kéo tay; trồng lạc che phủ nilon; sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất các loại rau an toàn; một số giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại na, thạch đen, hồng không hạt; vỗ béo đàn bò; chăn nuôi lợn nạc hướng thịt… Trong lâm nghiệp, các đề tài tập trung nghiên cứu, áp dụng quy trình phòng trừ sâu róm hại thông, diệt bọ ánh kim trên cây hồi; sản xuất một số giống bạch đàn mới và xây dựng mô hình đường băng cây xanh cản lửa phòng chống cháy rừng…
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: Riêng năm 2017, sở đã quản lý thực hiện hiệu quả 17 đề tài nghiên cứu KH&CN lĩnh vực NN&PTNT, chiếm trên 50% tổng số đề tài được quản lý ở các lĩnh vực. Một số đề tài đang được nghiên cứu như: phục tráng đào Mẫu Sơn; phát triển một số giống cam, bưởi chất lượng cao; biện pháp canh tác rải vụ và sử dụng chế phẩm sinh học thu hoạch na. Không những nghiên cứu, ứng dụng, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh còn quan tâm quản lý, phát triển tài sản trí tuệ đối với 17 sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Qua việc áp dụng KH&CN vào sản xuất cho thấy, các nghiên cứu đã xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như: na Chi Lăng, thạch đen Tràng Định, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng vành khuyên Văn Lãng, rau an toàn và sản phẩm hồi… đã được sản xuất theo công nghệ khoa học với quy mô sản xuất hàng hóa, thậm chí phục vụ cho xuất khẩu.
Lạng Sơn đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nội dung này, Lạng Sơn sẽ ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng KH&CN các sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xanh, sạch, an toàn. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Thời gian tới, lĩnh vực nông, lâm nghiệp rất cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào các sản phẩm như: thuốc lá, thạch đen, rau, na, hồng, quýt…; chăn nuôi gia cầm, lợn, thủy sản và một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực lâm nghiệp cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học đối với các loại cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu giấy và sản xuất gỗ lớn, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đất dốc.
Để xây dựng ngành nông nghiệp của Lạng Sơn ngày càng tiên tiến, dần thay đổi những tập quán sản xuất lạc hậu, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cần có thêm nguồn lực tài chính, sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ nhà nông, nhà doanh nghiệp.
Ý kiến ()