Nghiên cứu ứng dụng khoa học phòng chống sâu bệnh hại na
Người dân huyện Chi Lăng dùng bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi vàng đục quả na |
Cây na là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, loại cây này bị khá nhiều sâu bệnh gây hại. Những năm gần đây, 100% số vườn na tại Chi Lăng, Hữu Lũng bị ruồi đục quả và bọ phấn gây hại, trong đó có 80% số vườn bị hại nặng. Đặc biệt những năm gần đây, cây na thường xuất hiện nhiều sâu bệnh bùng phát mạnh làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng. Năm 2015 và 2016, nhóm nghiên cứu đề tài thu thập được 45 loài côn trùng, 20 loài thiên địch và 8 loại bệnh gây hại cây na tại Chi Lăng. Trong đó ruồi đục quả, bọ phấn, bệnh thán thư, đen quả… gây hại nghiêm trọng.
Tính đến năm 2015, ở nước ta chưa có một nghiên cứu chuyên về biện pháp phòng chống sâu bệnh hại cây na. Vì thế, để bảo vệ năng suất, sản lượng thì người trồng na đã phải dùng thuốc hóa học diệt trừ các loại sâu, bệnh khác nhau. Qua điều tra tại Chi Lăng, Hữu Lũng, đối với 90 hộ trồng na thì có 62% số hộ đã phun thuốc hóa học theo định kỳ, thậm chí một số hộ phun từ 15 – 20 lần/năm; 81% số hộ dùng thuốc hóa học với liều lượng cao hơn khuyến cáo; 35% số hộ vẫn phun thuốc khi đang thu hoạch. Phương pháp phòng trừ này chỉ là biện pháp tình thế, trên thực tế không đem lại hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khoẻ người trồng na cũng như người tiêu dùng.
Thạc sĩ Trần Đại Dũng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Thực tế trên đây rất cần có một quy trình phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại na, ít gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường cũng như sức khoẻ con người. Xuất phát từ yêu cầu đó, chi cục đã đề xuất thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu quy trình phòng trừ sâu bệnh hại quả na theo hướng bền vững tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Đến nay, đề tài đã kết thúc và đưa ra nhiều biện pháp phòng chống sâu bệnh an toàn, hiệu quả cao.
Trong số các biện pháp được nghiên cứu, thực hiện có thể kể đến phương pháp phòng chống sâu bệnh áp dụng biện pháp canh tác thủ công như bao quả phòng chống rồi vàng. Biện pháp này cho kết quả bao quả na khi được 30 ngày sau thụ phấn cho hiệu quả phòng trừ ruồi đục quả đạt 100%. Kỹ thuật đặt bẫy sử dụng thuốc sinh học dẫn dụ ruồi vàng kết hợp với phun bả sinh học Ento-Pro 150 DD cũng đạt hiệu quả phòng trừ ruồi cao lên tới hơn 85% diện tích được phòng trừ. Đối với bọ phấn nhóm nghiên cứu sử dụng thuốc sinh học Sukupi 0.36 SL cũng đạt hiệu quả phòng trừ trên 80% diện tích. Ngoài ra, thuốc hóa học Penalty 40WP, Checsusa 500WP và thuốc Regent 800WG đều cho hiệu quả phòng trừ bọ phấn trên 82% diện tích. Với bệnh thán thư và đen quả nên dùng thuốc Antracol 70WP, Tilt-Super 300EC, Amistar top 325SC cũng đạt kết quả trên 71% diện tích không bị nhiễm bệnh.
Ngoài việc đem lại hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp trên còn đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho người thâm canh. Theo tính toán, nếu áp dụng đúng các kỹ thuật khoa học trong phòng trừ sâu bệnh hại na thì giảm được số lần phun thuốc trừ sâu bệnh 2 hoặc 3 lần, giúp giảm chi phí, công sức chăm bón vườn na, đem lại lợi nhuận cao hơn khoảng trên 20 triệu đồng/ha. Bà Triệu Thị Bay, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng kể: Được áp dụng các biện pháp này, tôi vui lắm vì mã quả đẹp nên bán với giá cao hơn, tăng thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường, giúp tôi được an toàn về sức khỏe khi chăm sóc cây na.
Ông Trần Đại Dũng cho biết thêm: Áp dụng các biện pháp trên, nhất là phòng chống ruồi đục quả và bọ phấn cần phải đồng bộ trên diện rộng và quy mô lớn nhằm tránh sự lây lan của các loài sâu hại. Do đó, đề nghị các cấp, ngành chức năng cần khuyến cáo quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây na vào sản xuất. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các biện pháp khoa học sau nghiên cứu sẽ được triển khai, áp dụng rộng rãi đối với người trồng na.
Ý kiến ()