Nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ trong nước và nhập nội: Cơ sở khoa học cho nông dân phát triển cây bơ
– Những năm gần đây, nông dân bắt đầu đưa cây bơ vào trồng theo hướng hàng hóa, tuy nhiên việc lựa chọn giống chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân nên chưa lựa chọn được dòng, giống bơ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh khiến năng suất, chất lượng thấp. Để giúp nông dân có cơ sở khoa học trong việc lựa chọn dòng, giống bơ phù hợp, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ trong nước và nhập nội.
Nhóm thực hiện nhiệm vụ khoa học kiểm tra sự phát triển của cây bơ tại huyện Đình Lập
Cây bơ là cây thân gỗ, sống lâu năm, quả bơ có nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hoá, có hàm lượng protein cao, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khoẻ. Vì vậy, quả bơ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng đưa vào các bữa ăn hằng ngày hoặc chế biến thành các món ăn vặt, đồ uống… Những năm gần đây, cây bơ cũng đang được nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn đưa về trồng xen với các loại cây ăn quả khác. Để xác định những dòng, giống bơ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ xác định đây là nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Trong năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn nhóm nghiên cứu do Thạc sĩ Nguyễn Văn Lam, Trưởng Phòng Dự án và Chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Hoàn Kiếm – Hà Nội) làm chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ trong nước và nhập nội, xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2022.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Lam cho biết: Tại tỉnh Lạng Sơn, bơ là cây trồng mới, người dân chưa có đầy đủ kĩ thuật sản xuất, kiến thức chăm sóc, vì vậy, trước khi đưa vào sản xuất đại trà cần nghiên cứu, thử nghiệm để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống tại những tiểu vùng sinh thái khác nhau, hoàn thiện kĩ thuật canh tác… Trên cơ sở kết quả nghiên cứu cụ thể chúng tôi đưa ra những khuyến cáo hữu ích cho người dân trong sản xuất.
Triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng thí điểm dòng, giống bơ: MC14, MC17, Booth7, B3, Jolio, Choquette tại thành phố Lạng Sơn, các huyện Hữu Lũng, Tràng Định, Lộc Bình, Bình Gia và Đình Lập. Đây là những dòng, giống bơ có thời gian cho thu hoạch quả chín từ tháng 7 đến tháng 12; trọng lượng quả từ 300 gram đến 1.200 gram, năng suất trung bình đạt 80-120kg/cây; thịt quả vàng đậm, dẻo, béo, ít sơ; được tuyển chọn tại tỉnh Sơn La hoặc giống cây có nguồn gốc từ Cuba, Mỹ. Để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây bơ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng vườn giống với quy mô 2.000 cây giống/năm; nhân giống bơ bằng phương pháp ghép đoạn cành (nối ngọn), đồng thời tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian ủ mắt ghép đến khả năng tiếp hợp và bật mầm của mắt ghép; ảnh hưởng của thời điểm ghép đến tỷ lệ sống và tỷ lệ xuất vườn của cây bơ giống. Sau khi có nguồn cây giống đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn, nhóm đã triển khai nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh cây bơ theo hướng sản xuất hàng hóa và tiến hành trồng thử nghiệm tại 11 hộ gia đình ở các huyện Bình Gia, Lộc Bình, Đình Lập. Để nông dân nắm được kỹ thuật canh tác, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn kĩ thuật nhân giống và thâm canh cây bơ cho 80 lượt người dân tại các huyện.
Sau 4 năm trồng và chăm sóc cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh; tỉ lệ cây sống từ 93 đến 97%; tỉ lệ cây ra hoa đạt từ 55 – 100%. Qua nghiên cứu, nhóm xác định được 2 giống bơ gồm: Booth7, Choquette và dòng bơ MC17 có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất tỉnh Lạng Sơn. Anh Vũ Đình Công, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập chia sẻ: Trên đất Bắc Lãng từ trước đến nay chúng tôi chỉ trồng cây lấy gỗ hoặc hoa màu, cây ăn quả thì chưa tìm được loại cây thích hợp để đưa vào sản xuất. Năm 2018, tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về cây bơ, gia đình tôi được cấp 220 cây bơ để trồng thử nghiệm. Nhờ thực hiện các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn mà vườn cây phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh, năm 2023 một số cây đã bắt đầu bói quả. Nhóm thực hiện dự án cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với gia đình tôi. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc tốt vườn cây để gia đình có thêm thu nhập, có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc nghiên cứu đưa ra khuyến cáo về những dòng, giống bơ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống, quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây bơ; xây dựng được 1 mô hình nhân giống; 1 mô hình trồng thâm canh cây bơ với quy mô 6 ha tại 3 huyện Lộc Bình, Bình Gia, Đình Lập và liên kết với các hộ để tiêu thụ sản phẩm. Với những kết quả mà nhóm nghiên cứu đạt được, tháng 5/2023, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ trong nước và nhập nội, xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Lạng Sơn” đã tiến hành nghiệm thu đề tài, đây cũng là cơ sở khoa học để nông dân trên địa bàn tỉnh xác định dòng, giống bơ phù hợp để đưa vào sản xuất mang lại năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ý kiến ()