Nghiên cứu thực trạng quản lý đất nông nghiệp: Phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
– Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM)”. Đề tài có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp không chỉ tại các huyện nêu trên mà còn trên địa bàn toàn tỉnh.
Đất nông nghiệp là tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Nghiên cứu thực trạng sử dụng đất nông nghiệp giúp chỉ ra phương pháp sử dụng đất hiệu quả là cơ sở cho việc định hướng sử dụng đất trong tương lai của mỗi huyện, thành phố. Huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM, tuy nhiên còn một số tồn tại trong quản lý việc sử dụng đất. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại 2 huyện, từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu do ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ nhiệm đã triển khai đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh này.
Nông dân huyện Chi Lăng thu hoạch na niên vụ 2021
Ông Trần Quang Trung, Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT, Thư ký đề tài cho biết: Nhóm đã khảo sát, đánh giá thực trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; tình hình sản xuất nông nghiệp; đặc điểm và tính chất đất nông nghiệp; thực trạng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; thực trạng sử dụng đất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; thực trạng quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng.
Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn huyện Chi Lăng có hơn 109.300 ha, huyện Hữu Lũng có hơn 58.900 ha suy giảm độ phì từ mức trung bình đến nhẹ. Ở cả 2 huyện, chất lượng đất không cao, hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp, chỉ từ 0,31 đến 0,56%; dung tích hấp phụ (CEC) của các mẫu đất khảo sát ở mức thấp đến trung bình (từ 12,89 đến 15,18 lđl/100 gram đất). Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM trên địa bàn huyện Chi Lăng giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, toàn huyện có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 68,4% số xã đạt tiêu chí về giảm nghèo; toàn huyện có 3 sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện có 8 loại hình sử dụng đất như: 2 vụ lúa kết hợp rau, màu; 1 vụ lúa kết hợp rau, màu; chuyên màu; chuyên rau; cây công nghiệp; cây ăn quả; rừng sản xuất; hoa và cây cảnh. Huyện Hữu Lũng trong giai đoạn 2016 – 2020 có 30,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 60,8% số xã đạt tiêu chí về giảm nghèo; toàn huyện có 5 sản phẩm OCOP. Trên địa bàn có 8 loại hình sử dụng đất như: 2 vụ lúa; 2 vụ lúa kết hợp với rau; 1 vụ lúa, 1 vụ màu; cây công nghiệp; cây ăn quả; hoa, cây cảnh, cây gia vị; chuyên màu; rừng sản xuất. Cùng đó, công tác quản lý, sử dụng đất, công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có sự sai sót; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được triển khai thường xuyên, liên tục…
Sau khi nghiên cứu và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM. Trong đó, nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; khuyến kích tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật liên kết với người dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực… Đối với nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, đề xuất tập trung vào chuyển đổi cơ cấu giống lúa và các loại cây có ý nghĩa hàng hóa lớn (thông, quế, keo, cây ăn quả, chè, mía…). Tuyển chọn bộ giống cây địa phương có ưu thế và chất lượng, năng suất, thích nghi cao để phục hồi và nhân giống sản xuất. Nhóm giải pháp bảo vệ chất lượng đất tập trung vào các nội dung như giảm thiểu xói mòn trên đất dốc; chống khô hạn; cải tạo đất bị suy giảm độ phì… Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công bản đồ hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, bản đồ đề xuất sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với tỷ lệ 1/25.000.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cho biết: Kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị thực tiễn cao, nếu được áp dụng sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Với những ý nghĩa mà đề tài mang lại, trong tháng 3/2022, Hội đồng KH&CN đã thống nhất nghiệm thu đề tài. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, rất mong nhóm nghiên cứu, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài tại các huyện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()