Nghiên cứu thí điểm “hộ chiếu vaccine” cho du lịch
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư khiến ngành du lịch Việt Nam vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch càng trở nên lao đao. Du lịch trong nước và quốc tế gần như tê liệt, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, cùng với đó là cuộc khủng hoảng nhân sự du lịch, nhất là nhân sự chất lượng cao lớn chưa từng có từ trước tới nay…
Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” (chứng nhận việc một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng Covid-19 theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước) trong du lịch được nhiều chuyên gia xác định là “chìa khóa” để mở lối thoát, giúp cải thiện cục diện, từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Trước hết, cần nhấn mạnh và khẳng định việc tiêm vaccine rộng rãi để tạo miễn dịch cộng đồng chính là giải pháp căn cơ, triệt để nhất để đưa các quốc gia thoát khỏi đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, khi người dân các nước chưa thể tiếp cận một cách đại trà với nguồn vaccine thì việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” chính là công cụ tốt để những người đủ điều kiện có thể di chuyển trong nước và nước ngoài một cách thuận lợi hơn. “Hộ chiếu vaccine” giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan cách ly khi nhập cảnh. Ðây cũng là cơ sở để các nước nối lại hoạt động du lịch nội địa và từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Ðược ban hành ngày 11-6 vừa qua, Kết luận số 07/KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội cũng đã đề cập nội dung: Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang). Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được trong thực tế, hơn 90% số người dân trên đảo này cần được tiêm vaccine; du khách quốc tế tới đây phải có chứng nhận đã tiêm phòng và được xét nghiệm PCR âm tính khi nhập cảnh; và trong quá trình thí điểm sẽ tạm thời thực hiện các biện pháp cách ly mềm giữa Phú Quốc và đất liền để bảo đảm an toàn. Nếu việc triển khai thí điểm có hiệu quả, đây sẽ là tiền đề để từng bước “phá băng” hoạt động đón khách du lịch quốc tế, tạo ra cú huých lớn cho sự phục hồi du lịch. Bởi trong ba thị trường gồm du lịch nội địa, đưa khách trong nước du lịch nước ngoài và đón khách nước ngoài tới du lịch thì đón khách nước ngoài tới du lịch là thị trường thu hút ngoại tệ và mang đến tỷ suất lợi nhuận nhiều hơn cả. Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch và liên quan du lịch về việc xã hội hóa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, cho thấy sự chủ động, tâm thế sẵn sàng của những người làm du lịch trong việc bảo đảm những điều kiện cần thiết để triển khai “hộ chiếu vaccine”, kịp thời phục hồi du lịch.
Tuy nhiên, để chính sách “hộ chiếu vaccine” trong du lịch thật sự phát huy hiệu quả, cần có lộ trình thí điểm bài bản với những bước đi thận trọng, nhất là khi các nước hiện đang lựa chọn sử dụng nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau với hiệu quả bảo vệ khác nhau, thời gian hiệu lực của vaccine cũng cần được đánh giá thêm, chưa kể còn phải tính tới mức độ sẵn sàng trong chia sẻ dữ liệu về tiêm phòng giữa các quốc gia, bên cạnh đó là nguy cơ về “hộ chiếu vaccine giả” như đã từng xuất hiện ở một số nước… Theo các chuyên gia du lịch, việc mở cửa đón khách quốc tế phải được cân nhắc kỹ lưỡng về lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách và điểm đến phục vụ. Trong giai đoạn thí điểm “hộ chiếu vaccine”, nên đón khách từ những chuyến bay thuê bao trọn gói và xây dựng hành trình du lịch khép kín, bảo đảm khách du lịch cùng đến một điểm để dễ kiểm soát mức độ an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng được xác định là những loại hình du lịch thích hợp để triển khai theo hướng này. Làm thế nào để vừa đáp ứng tiêu chí du lịch hấp dẫn, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho cả du khách và người dân tại điểm đến không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của những người làm du lịch mà còn cần sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng văn hóa, du lịch với y tế, công an, giao thông, công thương… trên cơ sở hợp tác quốc tế để xây dựng quy trình vaccine chung cho việc đi lại giữa các nước.
Trên thế giới, để dỡ bỏ rào cản đi lại, từng bước bình thường hóa các hoạt động kinh tế – xã hội, một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Ngày 1-7 tới, “hộ chiếu vaccine” của Liên hiệp Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Trong khu vực, Singapore và Thailand là những nước đã sớm xây dựng bộ tài liệu về quy trình và tiêu chí đón khách quốc tế. Tháng 7 này, Phuket (Phu-két) sẽ là điểm đầu tiên của Thailand thí điểm dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với khách quốc tế có chứng nhận tiêm phòng trước ít nhất 14 ngày và không quá một năm so với thời điểm khởi hành. Các du khách này phải được bảo đảm đến từ các quốc gia không có các biến thể virus SARS-CoV-2 theo danh sách cập nhật của Bộ Y tế Thailand. Trong bảy ngày đầu, khách chỉ được tham quan một số điểm nhất định trong Phuket, nhưng sau thời gian đó, họ được phép tới các điểm khác. Ðây là những mô hình mà Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu để tiếp thu một cách có chọn lọc, từ đó từng bước áp dụng vào điều kiện thực tế để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.
Ý kiến ()