Nghiên cứu thành công các giống bạch đàn mới
LSO-5/5 giống bạch đàn mới được trồng khảo nghiệm đều cho năng suất, chất lượng cao hơn giống bạch đàn cũ. Trong đó giống PNCT3 và UP99 vượt trội hơn hẳn, được khuyến cáo sử dụng trong phát triển rừng tại huyện Hữu Lũng và nơi có điều kiện sinh thái tương tự trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Ban quản lý đề tài giới thiệu cho cán bộ, người dân huyện Hữu Lũng trồng giống bạch đàn PNCT3 |
Sự cần thiết
Lạng Sơn có diện tích vùng trồng bạch đàn tương đối lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng bạch đàn PN14. Sau gần 20 năm thâm canh, loại giống này đã có biểu hiện thoái hóa, năng suất ngày càng giảm chỉ còn đạt dưới 20 m3/ha/năm. Chất lượng rừng trồng cũng thấp, một số nơi đã xuất hiện bệnh hại nghiêm trọng. Tại Hữu Lũng có hiện tượng rừng trồng bạch đàn PN14 3 tuổi xuất hiện bệnh thối rễ hàng loạt. Tại Tràng Định, rừng trồng bạch đàn PN14 của một số hộ gia đình từ 1 – 2 tuổi có biểu hiện phân cành sớm gây ảnh hưởng đến năng suất rừng, ước chỉ còn đạt 10 – 15 m3/ha/năm.
Kỹ sư Hoàng Mạnh Chức, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh, chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Khảo nghiệm một số giống bạch đàn mới năng suất, chất lượng cao tại Lạng Sơn” cho biết: Để tránh tổn thất về kinh tế cho các hộ trồng bạch đàn và có cơ sở tuyển chọn giống mới cho năng suất, chất lượng cao thay thế giống bạch đàn cũ, tôi đã nghiên cứu thực hiện đề tài này từ năm 2015 đến nay. Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành trồng khảo nghiệm 5 giống bạch đàn mới và giống PN14 cũ trên diện tích 6 ha tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng) và xã Trung Thành (Tràng Định). Trong quá trình thực hiện, đề tài tiến hành theo dõi, đo đếm, xử lý số liệu điều tra, đánh giá sinh trưởng và phân tích ảnh hưởng của yếu tố giống; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc các giống bạch đàn sinh trưởng vượt trội; tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia và tổ chức hội nghị đầu bờ tuyên truyền kết quả khảo nghiệm.
Lợi ích trồng giống bạch đàn PNCT3 và UP99
Từ tháng 4/2015, 5 giống bạch đàn mới gồm: PNCT3, UP99, UP35, PN108, PNCT4 và giống PN14 (giống cũ để đối chứng) được trồng khảo nghiệm. Trong đó trồng 4 ha với trên 7.300 cây giống tại xã Minh Sơn, 2 ha với trên 3.300 cây giống tại xã Trung Thành. Sau 28 tháng trồng khảo nghiệm cho thấy: 5 giống bạch đàn mới đều sinh trưởng tốt và có năng suất, trữ lượng cao hơn dòng PN14 rất nhiều. Trong đó 2 dòng: PNCT3 và UP99 có năng suất, trữ lượng vượt trội và có sức sinh trưởng nhanh, đồng đều, chất lượng sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Cụ thể dòng PNCT3 có tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất bình quân đạt 34,7m3/ha/năm. Dòng UP99 có tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất bình quân đạt 32,2m3/ha/năm. 3 giống bạch đàn mới còn lại (PN108, PNCT4, UP35) sinh trưởng tốt song có nhược điểm là độ đồng đều chưa cao, chiều cao hạn chế, nhiều cành nhánh to, sau tỉa cành để lại nhiều mấu mắt trên thân cây ảnh hưởng đến chất lượng gỗ…
Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Văn Miêu, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Trong quá trình trồng khảo nghiệm tại rừng của gia đình, tôi nhận thấy giống là yếu tố quyết định tốc độ sinh trưởng, chất lượng rừng bạch đàn. Rất mong thời gian tới, các giống mới này sẽ được đưa vào trồng đại trà để thay thế giống bạch đàn cũ kém hiệu quả trên địa bàn Hữu Lũng và cả tỉnh.
So sánh 2 vùng trồng khảo nghiệm thì năng suất, chất lượng rừng ở Hữu Lũng cho năng suất, chất lượng cao hơn ở Tràng Định. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó trưởng Ban quản lý đề tài cho biết: Phát triển rừng bạch đàn đang được quan tâm tại Lạng Sơn bởi nó rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế rừng. Trên cơ sở nghiên cứu của đề tài cho thấy giống bạch đàn PNCT3 và UP99 nên được đưa vào trồng trong thời gian tới. Hai giống này nên trồng tại huyện Hữu Lũng và những nơi có điều kiện tương tự tại Lạng Sơn.
Lạng Sơn có 679.730 ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích quy cho rừng sản xuất là 505.206 ha. Tính đến hết năm 2016, diện tích có rừng toàn tỉnh là 503.293 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 60,5%. Riêng diện tích rừng trồng bạch đàn gần 30.000 ha, chiếm 15% – 20% tổng diện tích rừng trồng của cả tỉnh. |
HÀ MY
Ý kiến ()