Nghiên cứu, sáng tạo những công trình lý luận văn hóa mang tính “soi đường”
V.Lênin dạy: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Bác Hồ căn dặn: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Như vậy, trong cuộc cách mạng nói chung hay làm bất cứ việc gì mang tính vĩ mô, chiến lược đều cần đến lý luận. Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là rất khoa học, chuẩn xác, tinh tế. Vậy cái gì soi đường cho văn hóa? Chắc chắn, đó là lý luận văn hóa.
Lý luận nhưng thiếu chất… lý giải khoa học
Văn hóa là lĩnh vực rất rộng có mặt và chi phối mọi lĩnh vực đời sống (văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa học đường, văn hóa giao thông…). Thời đại cách mạng 4.0 là thời của số hóa, mọi sự vật, hiện tượng đều có thể biến chuyển một cách mau lẹ, bất ngờ. Những điều ấy đều có thể góp phần làm thay đổi, thậm chí đảo ngược giá trị. Sinh thời, Bác Hồ từng nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”(1).
Ở ngày hôm nay cũng thấy có hiện tượng một cá nhân đang là hình mẫu, đang dần trở thành biểu tượng nhưng đột nhiên bị phanh phui, hạ bệ để trơ ra bộ mặt thật xấu xí… Những điều ấy rất cần được khái quát để nâng thành lý luận soi sáng cho quá trình phát triển. Ở nhiều nước, giáo trình lý luận văn hóa dùng trong các trường đại học, cao đẳng thường 10 năm phải viết lại, thay đổi để thích ứng, phù hợp với thực tiễn diễn ra. Ở nước ta, ngành văn hóa học còn non trẻ, bộ môn lý luận văn hóa còn nhiều ngỡ ngàng, do vậy sự cấp thiết cần có những công trình tương xứng với văn hóa.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Chính phủ trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4-2021 tặng các tác giả, dịch giả và đại diện NXB, đơn vị liên kết xuất bản. Ảnh: HOÀNG LINH |
Có thể nhận định về một số vấn đề lý luận văn hóa ở nước ta trên một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, vì chưa có bề dày truyền thống nên chúng ta chưa có các chuyên gia đầu ngành. Các tác giả có công trình đáng chú ý thường là từ các chuyên ngành khác: Đinh Gia Khánh (văn học), Phan Ngọc (ngôn ngữ), Trần Quốc Vượng (sử học), Trần Ngọc Thêm (ngôn ngữ)… Nhưng không vì thế mà công trình của họ thiếu thuyết phục, ngược lại, lấy điểm tựa chắc chắn là chuyên ngành sở trường, mỗi người đều có những kiến giải riêng, khá sắc sảo. Nhưng có tác phẩm vẫn thiếu tính hệ thống, có khi phiến diện bởi thiếu các cách tiếp cận, phương pháp chuyên ngành đặc thù về văn hóa.
Thứ hai, giáo trình lý luận văn hóa ở các trường, viện chưa thể nói là chuyên sâu, hệ thống, hoàn chỉnh. Các giảng viên cũng thường là “tay ngang”, từ văn học, ngôn ngữ sang giảng dạy lý luận văn hóa. Nhiều bộ giáo trình về lý luận nhưng thiếu chất lý luận, có khi còn “giẫm” vào bước chân của môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Thường được chia làm 3 chương: Chương đầu mang tính “nhập môn” giới thiệu hệ thống khái niệm, phương pháp nghiên cứu; chương hai trình bày các lĩnh vực/thành tố cơ bản của văn hóa; chương ba nêu các giải pháp để “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…
Ngay cấu trúc này cũng cho thấy giáo trình thiên về lịch sử hơn là lý luận. Cũng đã có nhiều công trình, đề tài cấp nhà nước được nghiệm thu nhưng còn ít tiếng vang, chưa gây ảnh hưởng trong đời sống học thuật bởi hoặc sa vào chung chung hoặc ít có sự liên hệ với đời sống thành ra chưa thể “soi sáng” cho thực tiễn.
Thứ ba, do đặc thù của văn hóa Việt Nam là “tam giáo đồng nguyên” dùng chữ Hán, sau là chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ cũng phổ biến trên dưới trăm năm. Trong khi đó, ngôn ngữ là chìa khóa cơ bản để mở ra các mã văn hóa. Có hiểu ký hiệu cơ bản của văn hóa là ngôn ngữ mới hiểu ngọn ngành, gốc rễ văn hóa. Ví như một câu đối Nôm hóm hỉnh của cụ Nguyễn Công Trứ: “Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Câu đối tái hiện phong tục mọi thứ nợ nần đều trả trong năm cũ, mọi tai bay vạ gió, nghèo nàn, khó khăn đều gửi vào hôm qua (đạp thằng Bần ra cửa) để ngày đầu năm mới trong trẻo, tinh khôi.
Hình tượng chủ nhà “rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc” chính là một “phiên bản” của “mẫu gốc” nguyên thủy: Chữ “Phúc” trong “giáp cốt văn” (chữ khắc trên xương thú, mai rùa) là tượng hình của hai bàn tay bưng hũ rượu đứng lễ trước bàn thờ. Được chưng cất từ lúa gạo lương thực nuôi sống người trộn cùng thứ men lá đặc biệt nên rượu được coi là linh hồn của trời đất, vũ trụ. Con người lấy thứ linh hồn ấy để cầu phúc chẳng phải là một điều thiêng liêng sao? Điều này cũng lý giải phổ nghĩa của chữ “Phúc” rất rộng, không chỉ là những gì tốt đẹp, may mắn, tốt lành, mà còn là thuận lợi, hanh thông…
Về sau chữ “Phúc” được tỉnh lược, bổ sung hoàn thiện để còn lại hình chữ như ngày nay. Chiết tự chữ “Phúc” cũng cho thấy nhiều thú vị về quan niệm hạnh phúc của người xưa: Bên trái là bộ “thị” có nghĩa là mong muốn (thị hiếu); bên phải là bộ “miên” nghĩa là mái nhà và bộ “khẩu” nghĩa là miệng ăn (hộ khẩu); dưới là bộ “điền” nghĩa là ruộng đất. Như vậy khát vọng, ước mơ giản dị của con người về một cuộc sống bình yên là có một mái nhà để trú (nơi ở), có mảnh ruộng để cày cấy (nghề nghiệp).
Đó là hạnh phúc! Những tài năng như cụ Nguyễn Công Trứ luôn có mối liên hệ (dù mờ nhạt) với nguồn cội để tạo nên tính hệ thống nhất quán trong kiến văn! Nói thế để thấy, đào tạo một cán bộ nghiên cứu, giảng dạy Lý luận văn hóa thật công phu, ít người muốn theo (dù rất hay), phải học nhiều (Nho, Phật, Lão, chữ Hán Nôm). Những tấm gương như GS Hà Văn Tấn rất hiếm, để hiểu phật giáo Việt Nam ông phải học cả chữ Phạn cổ!
Thứ tư, chúng ta chậm nhịp so với thế giới. Ví dụ bước vào thời 4.0 hướng nghiên cứu liên văn hóa (intercultural) được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (the intercultural philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đây là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu.
Nhiều nước ra đời môn học Phân tích giao tiếp liên văn hóa (intercultural communication analysis, gọi tắt là ICA) có ở nhiều môn học khoa học xã hội, rất chú trọng tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, như một “phần mềm tinh thần” (mental software) là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa. Liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hóa (intracultural communication).
Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Hướng nghiên cứu này cho phép xem xét các hiện tượng liên văn hóa với các chiều kích ở mọi bề sâu bề xa… tức rất có ý nghĩa, mang tính phổ quát cao, phù hợp với mọi nền văn hóa, thế nhưng ở ta mới được giới thiệu, chỉ có vài công trình, đề cập, ứng dụng.
Cần làm gì để có những công trình lý luận văn hóa đủ sức “soi đường”?
Trước hết, xin thống nhất một vài vấn đề phương pháp luận. Điều mang tính quyết định là sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ lý luận và thực tiễn: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông…
Lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(2). Chỉ có thể tuân theo một cách triệt để lời dạy này thì các công trình lý luận văn hóa mới làm được vai trò “soi sáng” thực tiễn.
Một công trình lý luận văn hóa phải có nhiệm vụ nghiên cứu bản chất, chức năng xã hội và thẩm mỹ, quy luật phát triển của văn hóa. Phải xác định được phương pháp luận và phương pháp phân tích văn hóa. Trên thế giới, lý luận văn hóa thường gồm 3 nhóm vấn đề: Lý thuyết về các đặc trưng; lý thuyết về cấu trúc của văn hóa; lý thuyết về tiến trình văn hóa.
Lý luận luôn đi cùng hệ thống khái niệm. Các khái niệm này phải chặt chẽ, logic nhưng giản dị, dễ hiểu vì sức sống của chúng được biểu hiện ở cơ sở, vận dụng, triển khai ở cơ sở. Ví dụ chỉ một khái niệm “bảo tồn” mà có nơi hiểu “giữ nguyên trạng” dù đang xuống cấp, có nơi vận dụng “giữ nội dung sửa hình thức”, có nơi hiểu “đập đi làm lại theo mô hình cũ”…
Bên cạnh đó, phải có một định nghĩa mang tính phổ quát, bao hàm chung, soi sáng được nhiều phương diện, lĩnh vực. Đó là định nghĩa của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề mang tính khoa học được thế giới khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(3).
Định nghĩa này khá đầy đủ, về đặc trưng của văn hóa là “những sáng tạo và phát minh”; về nguồn gốc “vì lẽ sinh tồn của con người”; về cấu trúc “ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, luật pháp, khoa học, tôn giáo…, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng”; về mục đích “nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi”… Định nghĩa này gần gũi với định nghĩa của UNESCO về văn hóa (2001).
Một công trình lý luận thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đều phải có tư tưởng, với công trình lý luận văn hóa càng phải thế. Do vậy, cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo: Một là, đúng với đường lối của Đảng, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là mục tiêu, là động lực, là nhân tố điều tiết quá trình xây dựng và phát triển. Hai là, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, do vậy tự thân nó phải có các đặc trưng dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ, nhân văn. Ba là, xây dựng nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bốn là, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để có những công trình lý luận văn hóa xứng đáng vơi vị thế, vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, theo chúng tôi cần quan tâm chú trọng trên hai phương diện cơ bản.
Về phía Nhà nước và các cơ quan chủ quản phải đầu tư nguồn lực tương xứng cho việc xây dựng các công trình lý luận văn hóa.
Do tính phức tạp nên công trình lý luận văn hóa thường phải do một tập thể chuyên gia tiến hành, không chỉ một mà phải nhiều năm. Do vậy, cần dành một khoản ngân sách đáng kể cho việc xây dựng các công trình lý luận trọng điểm; đồng thời có thể kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Tăng cường gửi các nhà nghiên cứu đi đào tạo ở các nước có nền văn hóa phát triển để họ tiếp thu các ánh sáng lý thuyết mới, tiếp cận các hướng đi, phương pháp mới. Theo hướng này, ở thế kỷ trước Việt Nam ta đã có các nhà nghiên cứu nổi tiếng tầm thế giới như Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo… Ngoài ra, cần tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học theo từng chủ đề để thu hút được nhiều tiếng nói, tạo ra các cuộc tranh luận để nảy ra tư tưởng mới. Chỉ trên cơ sở gặp gỡ, trao đổi, cọ xát, phản biện dân chủ mới có thể thống nhất được các vấn đề khoa học về lý luận văn hóa.
Về phía các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.
Việc xây dựng các công trình lý luận văn hóa không ai khác ngoài các nhà nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên. Đó là sứ mệnh vẻ vang nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề, phải trí tuệ, tâm huyết và thật sự kiên trì. Việc tham khảo, học tập nước ngoài là đương nhiên nhưng cần nhớ lời Bác Hồ căn dặn, là làm sao “phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể… cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(4); “lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế” (5) nhất là trong lĩnh vực văn hóa lời dạy này càng quan trọng.
Thực tế hiện nay nước ta có nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên giỏi ngoại ngữ, nhưng với đặc thù văn hóa Việt thì ngoài nắm vững các triết học Nho, Phật, Lão còn phải giỏi Hán Nôm. Đó là mã quan trọng bậc nhất của văn hóa Việt, do vậy người nghiên cứu chỉ có thể làm chủ được nó mới mở ra được những cánh cửa ý nghĩa mới cho các công trình nghiên cứu lý luận văn hóa.
Ý kiến ()