Nghiên cứu quy trình chăm sóc cá rô mo trong môi trường nhân tạo: Góp phần bảo tồn nguồn gen gắn với phát triển kinh tế
- Cá rô mo (hay còn gọi là cá mó, vược sông, pia ká) là loại cá thơm ngon được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức cùng với biến đổi khí hậu khiến loài cá này ngày càng ít đi. Thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn gen quý này, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn nhóm thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh do Tiến sĩ Lê Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên làm chủ nhiệm triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cá rô mo tại Lạng Sơn“.
Tiến sĩ Lê Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản, Trường Đại học Nông Lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Triển khai nhiệm vụ, chúng tôi đã điều tra hiện trạng phân bố và thu thập nguồn gen cá rô mo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; phân loại cá rô mo trên địa bàn một số huyện. Qua đó, xác định trên địa bàn tỉnh có nhiều loài cá rô mo, trong đó phổ biến là cá rô mo sơ chê (Siniperca chuatsi) và rô mo kơne (Siniperca knerii). Sau khi xác định loài, nhóm đã tiến hành đăng ký kết quả trên ngân hàng gen quốc tế. Cùng với việc xác định loài, chúng tôi cũng đánh bắt các cá thể trong tự nhiên về nghiên cứu đặc điểm sinh học cũng như thử nghiệm thuần hóa, bảo tồn nguồn gen loài cá này.
Cá rô mo phân bố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có đầu lớn, mắt to, miệng rộng lưng có màu sẫm, trên thân có nhiều chấm đen. Thịt cá trắng, ít xương, có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, cá rô mo thường có ở những hồ nước lớn tại các huyện như: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia...
Để thuần hóa loài cá này, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành thu thập từ tự nhiên và lưu giữ trong ao và trong môi trường bể nuôi được bổ sung các điều kiện về nhiệt độ nước, độ pH, nồng độ ô xy... gần nhất với điều kiện sống tự nhiên của cá trong khu vực phân bố.
Ngoài môi trường sống thì thách thức lớn nhất với nhóm thực hiện nhiệm vụ là tìm nguồn thức ăn phù hợp bởi rô mo là loài cá săn mồi, chỉ ăn tôm cá sống, không ăn con mồi chết hoặc thức ăn nhân tạo. Trong nghiên cứu này, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tạo ra một loại thức ăn gồm các loại tôm cá tạp, tương tự như thức ăn của cá rô mo trong tự nhiên, trong đó, cho ăn cá nhỏ còn sống ở giai đoạn đầu, sau một thời gian có thể huấn luyện cá rô mo ăn cá tạp (dạng cắt nhỏ).
Cùng với đó, nhóm đã thử nghiệm phục tráng, nhân giống nguồn gen cá rô mo trong điều kiện nuôi vỗ cá rô mo bố mẹ tại bể. Trong đó, tỷ lệ cá bố mẹ thành thục là 70%; tỷ lệ cá đẻ đạt 75,91%; tỷ lệ trứng cá nở là 34,7%. Sau khi cá nở, nhóm tiến hành ương nuôi cá rô mo trong môi trường nhân tạo, kết quả tỷ lệ sống của cá rô mo ở giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương là 22%, ở mật độ ương là 50 con/m2.
Tỷ lệ sống của cá rô mo ở giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống là 41,67%, ở mật độ ương là 20 con/m2.
Thử nghiệm nuôi cá rô mo thương phẩm trong ao và trong lồng trên hồ thủy điện, thức ăn là các loại cá tạp băm nhỏ, sau 12 tháng tỷ lệ cá sống đạt từ 77 - 79,2%, trọng lượng cá đạt từ 273,3 đến 353,3 gram/con. Cao hơn mục tiêu yêu cầu đặt ra là 100gram/con. Cá nuôi có kích thước lớn song vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng.
Sau khi nghiên cứu thành công, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng tài liệu về quy trình thuần hoá cá rô mo trong ao, quy trình thuần hoá trong bể, quy trình sinh sản nhân tạo, quy trình thử nghiệm nuôi cá cô mo trong ao và trong lồng.
Bà Nông Thị Đại, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi thường đặt hàng pa ká (cá rô mo) với những người thường hay đánh bắt cá trên sông vì cả gia đình từ người già đến trẻ nhỏ đều rất thích ăn loại cá này. Tuy nhiên hiện nay, cá này đang ngày càng ít thấy. Mong rằng có thể nghiên cứu nuôi dưỡng loài cá này trong ao hồ để người dân không chỉ có được món ăn ngon mà còn không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu nguồn gen cá rô mo, phục tráng nhân giống và xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi cá rô mo phù hợp với điều kiện của tỉnh Lạng Sơn đảm bảo mục tiêu bảo tồn nguồn gen cá rô mo.
Với những kết quả đạt được, tháng 7/2024 Hội đồng Khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cá rô mo tại Lạng Sơn“. Mong rằng, thời gian tới sẽ có những nghiên cứu sâu hơn để quy trình chăn nuôi cá rô mo thương phẩm sớm được phổ biến cho người dân nhằm hạn chế việc khai thác cá rô mo trong môi trường tự nhiên, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời hình thành các mô hình nuôi cá rô mo để phát triển kinh tế.
Ý kiến ()