Nghiên cứu quy định trừ điểm giấy phép lái xe
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đa số đại biểu nhất trí với dự thảo luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; một số đại biểu đề nghị, đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn.
Ý kiến khác lại đề nghị, chỉ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và quy định có ngưỡng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy như Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn hơn 500 nghìn giấy phép lái xe, dẫn đến việc người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, từ đó tác động đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.
Các đại biểu cũng thảo luận về bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe, cho rằng việc làm này là cần thiết trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn hơn 500 nghìn giấy phép lái xe, dẫn đến việc người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, từ đó tác động đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân; việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép lái xe không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Theo dự thảo luật, người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm với điều kiện giấy phép lái xe phải còn điểm.
Trường hợp bị trừ hết điểm, người lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật liên quan (không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe) và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trong trường hợp giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe vẫn tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Có ý kiến cho rằng, quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cần bổ sung quy định về trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp xử phạt bổ sung và sửa quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể nghiên cứu áp dụng cho việc xử lý phạt tiền người lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn và chỉ xử phạt bổ sung là trừ điểm mà không tước giấy phép lái xe trong trường hợp ngưỡng vi phạm nồng độ cồn không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng (người vi phạm nhiều lần trong thời gian nhất định hoặc vi phạm nghiêm trọng… sẽ bị tước giấy phép lái xe theo quy định).
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người dân vẫn được lái xe tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân mà vẫn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.
Quy định trừ điểm khi vi phạm quy định nồng độ cồn mà không tước giấy phép lái xe có thể xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, cơ bản khắc phục mặt hạn chế của các quy định hiện hành và có nhiều ưu điểm.
Đây là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý cả quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ; thay vì áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay thì chuyển sang áp dụng quy định trừ điểm giấy phép lái xe và yêu cầu người bị trừ hết điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn, vừa quản lý chặt chẽ người được cấp giấy phép lái xe, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện, có ý thức hơn trong việc chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc làm nêu trên còn giúp cơ quan chức năng quản lý người lái xe vi phạm trong suốt quá trình chấp hành pháp luật cho đến việc tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Ý kiến ()