Nghiên cứu mô hình cộng đồng quản lý và sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật
Nhóm nghiên cứu đề tài hướng dẫn người dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật |
Diện tích gieo trồng các nhóm cây trồng chính hằng năm trên địa bàn tỉnh là hơn 100.000 ha. Ước lượng thuốc BVTV sử dụng khoảng 150 tấn/năm. Trong sản xuất, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV tùy tiện ở các mương nước, bờ ruộng, bờ suối còn khá phổ biến. Trên địa bàn tỉnh có 30% số người bán thuốc BVTV bán thuốc chưa đúng chủng loại, bán nhiều loại thuốc cho nông dân sử dụng một lúc. Nông dân pha nồng độ thuốc cao gấp 1,5 – 2 lần khuyến cáo, chưa đảm bảo tốt thời gian cách ly sau khi phun thuốc BVTV. Lượng thuốc BVTV đã được sử dụng khoảng 2,5 kg thuốc/ha/vụ, thải ra môi trường khoảng 375g bao bì/ha/vụ và 3,75g thuốc còn sót lại trên bao bì. Trong số các loại bao bì thuốc BVTV phát thải ra môi trường, bao bì dạng túi Poly-ethylene chiếm tỷ lệ lớn nhất (59,3%), sau đó đến bao bì dạng chai nhựa (39,5%), ít nhất là bao bì dạng chai thủy tinh (1,2%).
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Phòng Thủy sản Kỹ thuật Tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do chưa có cơ quan quản lý cũng như cơ quan nghiên cứu nào đánh giá những tác động tiêu cực của bao bì thuốc BVTV để đề xuất mô hình thu gom, xử lý an toàn và hiệu quả. Từ đây, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thực hiện đề tài trong giai đoạn 2014 – 2016. Mục tiêu nhằm đề xuất những giải pháp quản lý, sử dụng thuốc BVTV và xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tìm ra một số giải pháp hiệu quả đó là: thành lập tổ thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV ở cấp xã, thôn; lắp đặt hệ thống bể thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV; tăng cường phát động các phong trào ra quân làm sạch đồng ruộng; xây dựng chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý. Trong 2 năm, đề tài lắp đặt 30 bể thu gom, 3 bể xử lý bao bì thuốc BVTV ở các xã: Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn; Đồng Bục, huyện Lộc Bình và Đồng Tân, huyện Hữu Lũng; tổ chức thu gom được 309 kg bao bì thuốc BVTV; tổ chức 40 lần xử lý bao bì thuốc BVTV.
Kết quả cho thấy, ở 3 mô hình thu gom đã có trên 80% lượng bao bì thải ra được nông dân tự nguyện thu gom; dư lượng thuốc BVTV trong mẫu nước chỉ còn từ 0-15,7 mg/l (trước khi xử lý là từ 0,03- 37,9mg/l). Quan trọng hơn là cán bộ trạm BVTV các huyện, cán bộ xã, đoàn thanh niên, người kinh doanh thuốc BVTV và nông dân ở các xã tham gia mô hình đã có kiến thức nhất định trong tổ chức, quản lý hệ thống thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, cách quản lý và sử dụng thuốc BVTV an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Chị Lường Thị Dung, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục (Lộc Bình) cho biết: Tham gia đề tài, tôi đã biết cách pha thuốc BVTV đúng nồng độ. Sau khi sử dụng phải cho vỏ, chai thuốc vào bể thu gom chứ không vứt tại bờ ruộng hay mang đốt như trước. Huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng đã bố trí kinh phí để mở rộng và tiếp tục thực hiện mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV khi đề tài kết thúc.
Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài đã được nghiệm thu từ cuối năm 2016. Rất mong, thời gian tới, tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV và quản lý bao bì thuốc sau khi được làm sạch. Mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV được nhân rộng trên toàn tỉnh, ít nhất mỗi xã 1 mô hình.
Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và 372 cá nhân có chứng chỉ hành nghề đang hoạt động buôn bán thuốc BVTV. Trong đó, số có cửa hàng cố định là 215 cơ sở; 157 cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ theo mùa vụ, không có quầy hàng ổn định, chủ yếu bán tại các chợ phiên. |
Ý kiến ()